Khủng hoảng thiếu điện là thời cơ để phát triển năng lượng sạch

Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Điều hành Pacific Group - 13/06/2023 18:11 (GMT+7)

(VNF) - Hiện trạng thiếu điện của miền Bắc khiến nhiều doanh nghiệp và người dân cảm nhận sự bất tiện. Việc thiếu điện gây ảnh hưởng rất đáng kể trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tranh thủ bối cảnh khó khăn nguồn cung điện này để xem lại và tổ chức cung ứng, tiêu thụ điện mang tính bền vững và tầm nhìn dài hạn.

VNF
Khủng hoảng thiếu điện chính là thời cơ để Việt Nam phát triển năng lượng sạch

Những cảnh báo sớm từ khối FDI

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016, TS Trần Đình Thiên từng cho rằng, ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng xung đột cung - cầu năng lượng. Giá điện ở Việt Nam khá thấp, chỉ khuyến khích người tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất năng lượng.

Khi giá điện của Việt Nam thấp, khối doanh nghiệp FDI có công nghệ sản xuất lạc hậu sẽ chọn làm điểm đến và những nhà máy có công nghệ lạc hậu này tiêu thụ lượng điện rất lớn, gây khủng hoảng nguồn cung.

Hiện tại, Việt Nam đón nhận nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều và khi tính toán “sòng phẳng” chi phí sản xuất điện của Việt Nam so với các nước thì dễ thấy là nhà đầu tư hưởng lợi lớn từ điện giá rẻ. Các ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn có thể kể đến là sản xuất sắt thép, xi măng, điện tử, trung tâm dữ liệu…

Vậy, giải pháp nào để khối FDI sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu thụ điện lớn vẫn tổ chức sản xuất ổn định tại Việt Nam? Chính phủ có thể cân nhắc việc đề xuất đầu tư “sòng phẳng” với các tổ hợp công nghiệp FDI lớn theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động đầu tư nhà máy điện theo tiêu chí điện sạch, không phát thải để phục vụ luôn cho tổ hợp công nghiệp ấy. Điều này sẽ làm giảm áp lực cung điện của toàn hệ thống lưới điện quốc gia.

Nhiên liệu “miễn phí” hay nhiên liệu “tự chủ”?

Nguồn điện tái tạo từ nắng và gió về cơ bản không ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết và thời gian nắng trong ngày đòi hỏi phải có hệ thống lưu trữ điện. Lưu trữ năng lượng từ nguồn tái tạo hiện có nhiều cách có thể kể đến như ắc quy lưu trữ, thủy điện tích năng...

Ở các nước như Mỹ, châu Âu, các chính phủ đưa ra chính sách ưu đãi rất tốt để kéo nhà đầu tư đầu tư vào sản xuất ắc quy lưu trữ (Hoa Kỳ), tạo lập thủy điện tích năng (Úc) hoặc sản xuất hydrogen, ammonia (Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản). Việt Nam có thể tham khảo các quốc gia này để tạo lập chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lưu trữ năng lượng tái tạo, từ đó sẽ chủ động nguồn năng lượng mang tính bền vững.

Đầu tư nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng truyền tải điện đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trước mắt, Việt Nam có thể tham khảo ứng dụng lưới điện thông minh và cần thiết nhất là thiết lập lưới điện cục bộ (micro grid) để mà các nhà máy điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở các địa phương vùng sâu vùng xa có thể độc lập cung cấp điện cho bản làng, thôn xã vùng núi, vùng cao hoặc hải đảo.

Từ đó, sẽ kéo giảm áp lực đầu tư hạ tầng truyền tải đến những khu vực này. Các hải đảo như Trường Sa, Phú Quốc và Côn Đảo khi tính toán lại và có chế độ ưu đãi đầu tư hợp lý, có thể tổ chức khai thác năng lượng tái tạo (gió, nắng, rác thải) để phát điện cục bộ (micro grid) thay vì chi ngân sách để làm đường truyền tải từ đất liền ra khá tốn kém.

Đối với khu vực sẽ kéo cáp điện ngầm dưới biển (như Côn Đảo đang được lên kế hoạch để triển khai) thì nên tính toán thêm một bước nữa là: tính toán các khu vực có thể làm điện gió xa bờ trên tuyến cáp điện ngầm này và tích hợp vào đường truyền tải ngầm này. Với cách làm như vậy, việc đầu tư hạ tầng truyền tải sẽ mang hiệu quả kép: về ngắn hạn là cung cấp điện cho hải đảo và về dài hạn nguồn điện gió xa bờ cấp ngược vào đất liền.

Khai thác tối đa nguồn nhiên liệu “miễn phí”

Nguồn nhiên liệu ‘miễn phí’ có thể kể đến là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới trước đây chỉ khai thác mỏ hóa thạch thì nay đang chuyển mình sang khai thác và kinh doanh năng lượng tái tạo (điện gió xa bờ, điện mặt trời...).

Điển hình như Tập đoàn dầu khí Equinor ASA, BP, Shell, Eneos thường xuyên công bố các khoản đầu tư lớn vào dự án điện gió trên bờ hoặc xa bờ và dự án điện mặt trời ở quy mô lớn. Khi hàm lượng năng lượng tái tạo tăng lên thì hạ tầng lưu trữ chúng cũng thay đổi. Nếu như trước đây, nhà đầu tư hoặc nhà thương mại tập trung xây kho cảng chứa dầu, khí hóa lỏng để tiếp nhận các nguồn năng lượng hóa thạch này thì ngày nay sẽ là các kho cảng hydrogen, ammonia và các trạm ắc quy lưu trữ điện có quy mô lớn.

Tại Việt Nam, Chính phủ có thể tính toán và cho tiến hành khởi động các cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng tái tạo theo xu thế trên và chúng hoàn toàn phù hợp với định hướng và tầm nhìn của Quy hoạch 8. Khi hạ tầng tiếp nhận và lưu trữ điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển và điện thủy triều được chuẩn bị thì Việt Nam có thể đảm bảo an ninh năng lượng bền vững, không bị phụ thuộc vào giá nhiên liệu nhập khẩu biến động do chiến tranh hay thiên tai.

Khai thác triệt để nguồn nhiên liệu “tự chủ”

Ngày nay, khái niệm kinh tế tuần hoàn không còn xa lạ. Việt Nam đang là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn và hoàn toàn có thể khai thác nguồn phụ phẩm nông nghiệp, rác nông nghiệp để sản xuất điện sinh học hoặc sinh khối. Nguồn rác nông nghiệp và phụ phẩm ngành gỗ rừng trồng đều là nguồn nhiên liệu tái tạo mà Việt Nam hoàn toàn tự chủ. Ngoài ra, rác nhựa cũng là một một nguồn nhiên liệu tự chủ có thể phát điện theo công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường

Ứng dụng quy trình, giải pháp, chế tài và công nghệ tiết kiệm điện

Khi triển khai tiết kiệm điện, quốc gia sẽ giảm rất nhiều tiền đầu tư vào dự án điện mới còn người dân và doanh nghiệp thì tiết kiệm được khoản chi cho việc sử dụng điện. Việt Nam có thể lên một kế hoạch rõ ràng cụ thể, chia cho mỗi ngành đặt mục tiêu mỗi năm tiết kiệm bao nhiêu KWh điện để có căn cứ thực hiện. Các địa phương và các ngành có thể tổ chức đào tạo về việc tiết kiệm điện để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng điện cá nhân và doanh nghiệp: Tiết kiệm điện qua cải tiến quy trình sinh hoạt gia đình, quy trình sản xuất, kinh doanh, ứng dụng IoT, AI để kiểm soát quy trình, tự động tắt mở điện để giảm lãng phí điện.

Tiết kiệm điện bằng việc ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp như sơn chống nóng sẽ giúp cho tòa nhà kéo giảm chi phí điện để làm mát, đèn tiết kiệm điện và các thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận quốc tế như các hệ thống bơm nhiệt khai thác nhiệt thừa của máy điều hòa để sản xuất nước nóng hoăc hơi nóng, khai thác nước thải của hệ thống điều hòa để sử dụng…

Tóm lại, có thể xem việc thiếu hụt nguồn cung điện gây cúp điện tại miền Bắc lần này là một dịp để cơ cấu lại ngành điện theo hướng bền vững, chủ động nguồn nhiên liệu phát điện đặc biệt là nguồn nhiên liệu “miễn phí” và nguồn nhiên liệu “tự chủ”, thiết lập hệ thống lưu trữ hợp lý, thiết lập lưới điện cục bộ (micro grid), thiết lập đường truyền tải ngầm dưới biển thông minh để có thể khai thác về dài hạn và hơn hết là cần đào tạo ý thức tiết kiệm điện cũng như ứng dụng các giải pháp và công nghệ tiết kiệm điện. Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể tiến đến việc tự chủ về năng lượng, khai thác và sử dụng năng lượng sạch toàn phần và xuất khẩu năng lượng sạch đi các nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác