“Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thực hiện kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong việc thuê đất tại khu liên hợp”, là một trong những kiến nghị được đưa ra trong văn bản kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017 của Khu liên hợp thể thao quốc gia do Kiểm toán Nhà nước thực hiện và thông báo kết quả đầu năm 2019.
Tự ý cho thuê đất, không đấu giá và công khai mức giá
Nhiều mặt bằng Khu liên hợp Mỹ Đình từng bị biến tướng với những mục đích ngoài thể thao và phù phép để nợ tiền thuế đất
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nói rõ, Khu liên hợp thể thao quốc gia (viết tắt là khu liên hợp) được phép thực hiện thí điểm hợp tác liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất nhưng phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và chức năng nhiệm vụ của khu, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất; phần diện tích thực hiện liên doanh, liên kết phải nộp tiền thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho thuê ngắn hạn, việc khai thác sử dụng quỹ đất chờ dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không được cơ quan quản lý về quy hoạch xây dựng thỏa thuận dẫn đến không có biện pháp, giải pháp về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường, cháy nổ có thể xảy ra.
KTNN ghi rõ: “Khu liên hợp đã ký hợp đồng cho thuê khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính. Các hợp đồng cho thuê ngắn hạn chưa thực hiện đấu giá và công khai mức giá cho thuê tài sản”.
Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, KTNN còn phát hiện một số hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) nhưng bản chất là hợp đồng dài hạn do khu liên hợp thực hiện ký nhiều hợp đồng tại các thời điểm khác nhau với cùng một công ty, tại một địa điểm hoặc ký từ 2, 4 phụ lục hợp đồng trong 1 năm và lặp đi lặp lại nhiều năm.
Việc này dẫn đến một số doanh nghiệp thuê đất đã đầu tư xây dựng trụ sở, văn phòng, nhà xưởng, kho bãi kiên cố không đúng như điều khoản trong hợp đồng quy định bên B (bên đi thuê) là chỉ được triển khai tạo lập, lắp đặt, sửa chữa các hạng mục trên mặt bằng thuê là công trình, vật kiến trúc tạm thời, đơn sơ, sử dụng vật liệu nhẹ, không kiên cố và thời gian di dời, tháo dỡ khi bên A (bên cho thuê) yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
Như Thanh Niên đã nhiều lần đưa tin, sau khi ký hợp đồng với khu liên hợp, một số doanh nghiệp đã biến mặt bằng thành cơ sở massage, bán bia hơi..., khiến dư luận bất bình. Tháng 3.2018, Bộ VH-TT-DL phải có công văn yêu cầu khu liên hợp dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Kết luận KTNN cho biết: “Khu liên hợp đã và đang thực hiện việc chấm dứt và thanh lý hợp đồng cho thuê ngắn hạn để thu hồi lại mặt bằng. Tuy nhiên, việc thu hồi lại mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện theo đúng tiến độ mà Bộ VH-TT-DL yêu cầu”.
Nợ tiền thuê đất
Về thực hiện thu, chi sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2017 khu liên hợp đã thu được tổng cộng hơn 72 tỉ đồng. Trong đó, thu cho thuê sân tập khoảng 10,5 tỉ đồng; thu bán vé gần 5,5 tỉ đồng; thu cho thuê cơ sở vật chất gần 35 tỉ đồng; thu từ hoạt động liên doanh, liên kết gần 4,7 tỉ đồng... Khu liên hợp đã nộp thuế nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất của các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn theo quy định của Chính phủ.
Kết luận KTNN còn nêu rõ: “Công tác quản lý nợ phải thu, phải trả của khu liên hợp còn những tồn tại sau: Cuối năm tài chính chưa thực hiện đối chiếu xác nhận công nợ phải trả, đối với công nợ phải thu đã đối chiếu, song không đầy đủ. Công tác quản lý các khoản công nợ phải thu chưa được quan tâm đúng mức, một số khoản công nợ phát sinh trên 3 năm, phải thu khó đòi nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng tài sản, khu liên hợp chưa thực hiện việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung mà trong năm tiến hành mua lẻ, nhiều lần là không đúng quy định”.
Kiểm điểm cá nhân có liên quan
KTNN đã đưa ra một loạt kiến nghị: “Khu liên hợp chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính và tài sản; Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng giá cho thuê trụ sở, mặt bằng đất, thực hiện đấu giá, xác định giá cho thuê công khai, minh bạch; thực hiện thẩm định giá cho thuê tài sản, mặt bằng làm cơ sở tổ chức đấu thầu hoặc ký hợp đồng liên doanh liên kết, cho thuê mặt bằng theo quy định của luật Quản lý tài sản công; rà soát, xử lý dứt điểm công nợ phải thu, phải trả đối với một số tổ chức, cá nhân nợ tiền thuê cơ sở vật chất đến nay không thu được; thực hiện nghiêm túc ý kiến của Bộ VH-TT-DL về dừng khai thác, cho thuê toàn bộ diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch...”.
Đối với các hợp đồng liên doanh, liên kết dài hạn, cho thuê mặt bằng ngắn hạn thuộc khu đất xen kẹt, đất chờ dự án, khu liên hợp báo cáo Bộ VH-TT-DL để làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan của TP.Hà Nội để xác định vị trí, diện tích thuê mặt bằng, đất đai vào mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làm cơ sở kê khai, nộp tiền thuê đất theo quy định. Thực hiện thu hồi, nộp ngân sách nhà nước về tiền thuê đất của các hợp đồng liên kết, cho thuê đất dài hạn đối với 5 hợp đồng còn nợ tiền thuê đất tính đến 31.12.2017 hơn 22,6 tỉ đồng (riêng 2017 là hơn 6,4 tỉ đồng).
Ngoài ra, KTNN đề nghị Bộ VH-TT-DL chỉ đạo khu liên hợp thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong việc để đơn vị thuê đất chờ dự án ngắn hạn đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố, kho bãi, dẫn đến việc chậm thực hiện chỉ đạo chấm dứt hợp đồng của bộ.
Ông Cấn Văn Nghĩa không thể vô can KTNN cũng đề nghị giám đốc khu liên hợp chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của KTNN và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ VH-TT-DL để tổng hợp báo cáo KTNN trước ngày 30/6/2019. Hiện tại, khu liên hợp chưa có giám đốc mới sau khi ông Cấn Văn Nghĩa về hưu tháng 9.2018 (Phó giám đốc phụ trách khu liên hợp lúc này là ông Nguyễn Việt Tiến). Tất cả những vấn đề tồn đọng được chỉ rõ trong kết luận của KTNN, được thực thi trong thời gian ông Nghĩa vẫn còn tại vị. Do đó, không ai khác, ông Nghĩa phải là người chịu trách nhiệm chính trong những tồn tại này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, ngành thể thao có mạnh mẽ và quyết liệt thực hiện theo đúng kiến nghị của KTNN trong kiểm điểm cá nhân, tổ chức có liên quan hay không. Ông Nghĩa hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN phụ trách tài chính tài trợ. Nếu cho rằng ông Nghĩa “đã về hưu” mà Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT xuê xoa, “đánh trống bỏ dùi”, cho chìm xuồng vụ bê bối có tính hệ thống này thì liệu có nghiêm minh? |
Xem thêm: Kiểm toán Nhà nước: Sai phạm hàng nghìn tỷ đồng trong quản lý đất đai mỗi năm