Kiên Giang: Triển khai chậm, nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%

Ninh Dương - 29/08/2022 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Hiện nay, Chính phủ đang tập trung quyết liệt thực hiện triển khai đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đang ưu tiên giải phóng nguồn vốn này nhưng nhiều nơi vẫn “trì trệ” khi có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, thậm chí là 0% như ở tỉnh Kiên Giang.

VNF
Một số đơn vị tại Kiên Giang đến nay có tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 0%

Chậm từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án

Đến ngày 18/8/2022, theo Báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Kiên Giang, trong số 23 sở, ban, ngành của tỉnh có 8 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 10% gồm: Trường Cao đẳng nghề (4,59%), Sở Văn hóa và Thể thao (4,14%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (3,41%), Sở Tài nguyên và Môi trường (0,93%), Trường Cao đẳng Kiên Giang (0,84%).

Đặc biệt, có 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% là: Sở Nội vụ, Sở Thông tin Truyền thông và Văn phòng HĐND tỉnh.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vốn đầu tư công chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư (chỉ định thầu hoặc đấu thầu tư vấn khảo sát thiết kế lập dự án) ở một số đơn vị còn chậm.

Một số đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án (kể cả dự án điều chỉnh) có năng lực hạn chế (khi lập dự án khái toán tổng mức đầu tư thấp, đến khi thực hiện một số dự án tăng tổng mức đầu tư quá cao dẫn đến công trình không thể triển khai tiếp để chờ xin chủ trương điều chỉnh dự án.

Một số các đơn vị (huyện, thành phố) còn chia thành quá nhiều danh mục công trình nhỏ lẻ (cá biệt có nhiều công trình tổng mức đầu tư chỉ từ hơn 100 triệu đồng) gây khó khăn cho công tác quản lý dự án làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư… Từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân chung của mỗi đơn vị và hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa được giải quyết triệt để, việc phối hợp giữa chủ đầu tư, Ban QLDA, UBND huyện, thành phố và các Sở ngành có liên quan còn chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt, xử lý các khó khăn, vướng mắc còn chậm làm ảnh hưởng đến việc giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng theo tiến độ của hợp đồng.

Nhiều dự án vẫn đang dở dang tại Kiên Giang do chậm giải ngân vốn đầu tư công
Nhiều dự án vẫn đang dở dang tại Kiên Giang do chậm giải ngân vốn đầu tư công

Việc triển khai thự hiện dự án còn chậm, một số dự án lớn đến nay chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện thi công hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã quyết tâm chỉ đạo đến cuối quý III/2022 phải giải ngân đạt tối thiểu 65% kế hoạch vốn, đến 31/12/2022 phải đạt 95% kế hoạch vốn trở lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương không đạt chỉ tiêu thì người đứng đầu phải chị trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.

Cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nóng lòng với tình trạng giải ngân đầu tư công ì ạch như hiện nay ở các địa phương. Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế chung của cả nước.

Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì cho rằng, tỷ lệ giải ngân 7 tháng qua chưa cao bởi vẫn còn tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong triển khai.

"Nguyên nhân chủ quan, sâu xa là ở một số nơi chưa có sự quyết liệt vào cuộc của người đứng đầu", vị chuyên gia này nói thêm.

Có thể nói, đến cuối tháng 6/2022, với giá trị giải ngân chỉ đạt 25% so với kế hoạch, Kiên Giang đang rất trì trệ với vấn đề giải ngân đầu tư công. Trách nhiệm của các đơn vị đã được nêu rõ, tuy nhiên cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công thì vẫn chưa cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm tại phiên họp lần thứ 11 của Quốc hội tháng 5/2022 đã trao đổi với báo giới, một trong những yếu kém lớn nhất của việc sử dụng ngân sách năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chậm chạp.

Ông Lâm cho rằng, việc này cần phân cấp, phân quyền, các cơ quan chức năng với việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo, cán bộ đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải rõ ràng. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm, hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Không phải cứ đổ cho các yếu tố khách quan và các cơ quan lại bỏ qua, sang năm tiếp tục lặp lại như vậy.

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới đây giám sát tại Kiên Giang cũng đã chỉ rõ, cần cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Lãnh đạo các đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ phải chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, UBND tỉnh và cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục
Tin khác