Kinh tế đô thị đóng góp 70% GDP cả nước

Ngọc Lưu - 02/12/2024 15:18 (GMT+7)

(VNF) - Đến tháng 12/2023, Việt Nam có 902 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Đáng chú ý, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Ngày 2/12, hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề “Đô thị thông minh – Kinh tế số - Phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức.

Tìm kiếm những động lực phát triển mới

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh, trong đó 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950 (Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030); 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án thành phố thông minh.

Bên cạnh việc triển khai đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7% và kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Theo ông Khoa, với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ...

Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng kinh tế số, công nghệ mới và kinh tế xanh có thể là câu trả lời. Theo đó, kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; kinh tế xanh tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa; và công nghệ mới: là những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghệ ô tô (Automotive).

Cũng theo ông Khoa, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô Hà Nội đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân. Điều này có thể thấy qua những thành tự lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản. 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối CSDL quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai...

Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam gặp khó vì đâu?

Thông tin về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại các địa phương trên cả nước, ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước hiện có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.

Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Về quy hoạch đô thị thông minh, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý – GIS vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Hiện có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện việc này.

Cùng với đó, khoảng 57 địa phương tập trung cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, với chủ yếu là lĩnh vực giao thông, tiếp đó là y tế thông minh, giáo dục thông minh và phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Theo ông Trần Ngọc Linh, những khó khăn trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam như công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý; cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu, chưa có hình thức kết nối khối kinh tế tư nhân nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ và chưa đồng bộ; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng...

Cùng chuyên mục
Tin khác