Kinh tế Mỹ bứt tốc trong quý III bất chấp lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 22 năm

Khánh Tú - 27/10/2023 14:13 (GMT+7)

(VNF) - GDP quý III của Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, vượt qua cả dự đoán trước đó của các nhà kinh tế. Mặc dù lãi suất chạm mức cao nhất trong vòng 22 năm qua nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững nhờ nhiều yếu tố quan trọng.

VNF
Ảnh minh họa.

Ngày 26/10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo về GDP của quốc gia này trong quý III. Theo đó, GDP của Mỹ tăng 4,9% trong quý III, tăng hơn gấp 2 lần so với GDP của quý II là 2,1%.

Đồng thời, con số này cũng cao hơn mức dự đoán tăng trưởng 4,7% mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2023 cũng là mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây và diễn ra bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới 11 lần kể từ tháng 3/2022.

Động lực chính thúc đẩy GDP quý III của Mỹ đến từ chi tiêu tiêu dùng, hoạt động xuất khẩu, đầu tư của hộ gia đình, chi tiêu Chính phủ và hàng tồn khó tăng.

GDP của Mỹ tăng 4,9% trong quý III.

Chi tiêu tiêu dùng, được đo lường theo chỉ số PCE của Bộ Thương mại Mỹ, đạt 4,8% trong quý III vừa qua, tăng tới 4% so với quý II và đóng góp khoảng 68% cho GDP của quý III. Tổng đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng 8,4% trong khi chi tiêu và đầu tư của Chính phủ tăng 4,6%.

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhận định báo cáo GDP quý III là minh chứng cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng giống như quan điểm của nhiều nhà kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm tốc trong thời gian tới.

Mức tăng trưởng của GDP trong quý III của Mỹ lại khiến các nhà đầu tư không mấy hào hứng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ vẫn còn “nhuốm sắc đỏ”.

Lạm phát lõi, tính theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, đã đạt mức 3,9% trong tháng 8, cao gần gấp đôi so với mục tiêu của Fed. Điều này có thể khiến Fed tiếp tục giữ vững chính sách tiền tệ thắt chặt của mình và khả năng sẽ có đợt tăng lãi suất thứ 12.

Chi tiêu tiêu dùng đóng góp khoảng 68% cho GDP của quý III.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm khi phải đối mặt với một số thách thức như lãi suất trái phiếu tăng vọt và việc khôi phục lại các khoản trả nợ vay sinh viên.

Khoản tiết kiệm giảm kết hợp với việc tiếp tục trả khoản vay sinh viên vào tháng 10 (ước tính khoảng 70 tỷ USD) có thể làm giảm chi tiêu của người Mỹ trong cuối năm. Người tiêu dùng có thu nhập thấp đang ngày càng dựa vào các khoản vay nợ như thẻ tín dụng để mua sắm.

Các nhà kinh tế ước tính rằng số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch COVID-19 chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình có thu nhập cao và sẽ cạn kiệt vào quý đầu tiên của năm 2024.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lại tỏ ra không quá lo lắng. Ông Chris Low, nhà kinh tế trưởng tại FHN Financial ở New York, cho biết: “Còn quá sớm để coi tốc độ tăng trưởng chậm hơn là điều hiển nhiên, đặc biệt là sau 3/4 hoạt động kinh tế liên tục mạnh hơn dự kiến”.

Theo Financial Times
Cùng chuyên mục
Tin khác