Kỷ nguyên thống trị của đồng USD sắp đi đến hồi kết?

Minh Nhật - 24/08/2023 23:33 (GMT+7)

(VNF) - Từng thống trị thị trường tài chính và thương mại thế giới trong thời gian dài, đồng USD hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và xung đột Nga – Ukraine vẫn đang leo thang.

Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt trật tự kinh tế toàn cầu hậu thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của nhiều quốc gia khác, sức ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đã không còn như trước. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi rằng liệu kỷ nguyên “đồng tiền toàn cầu” của đồng USD sắp kết thúc?

Cuộc thống trị dài hơi của đồng USD

Ở thời điểm hiện tại, đồng USD vẫn đang giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính rằng đồng USD tham gia vào gần 90% giao dịch ngoại hối và chiếm 85% giao dịch trên thị trường giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi.

Bên cạnh đó, có tới một nửa phi vụ thương mại toàn cầu và ¾ thương mại châu Á – Thái Bình Dương sử dụng đồng USD làm đơn vị tiền tệ chính.

Tỷ lệ đồng USD dùng làm dự trữ ngoại hối đã giảm 61,5% trong năm 2012, xuống còn 58,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, cũng trong cùng giai đoạn này, tỷ lệ của đồng euro cũng giảm từ 24,1% xuống còn 20,5% và tỷ lệ của đồng nhân dân tệ cũng vẫn ở dưới 3%.

Đồng USD đã thống thị trường tài chính và thương mại thế giới trong nhiều năm.

Nợ ngoại hối tính bằng đồng USD vẫn giữ ở mức khoảng 70% kể từ năm 2010 trong khi chỉ số sử dụng ngoại tệ (IFCU) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng không đổi ở mức khoảng 68%.

Khi Nhật Bản vùng lên như một thế lực kinh tế “bất khả chiến bại” vào cuối thập niên 1980, nhiều người khi đó cho rằng đồng yên sẽ sớm đảm nhận vai trò lớn hơn trong nền kinh tế - tài chính toàn cầu. Thế nhưng nhìn vào thực tế, đến tận ngày nay, đồng yên vẫn chỉ chiếm khoảng 5% dự trữ ngoại hối.

Người ta cũng từng kỳ vọng rằng đồng euro sẽ thay thế đồng USD nhưng ở bên ngoài lãnh thổ châu Âu, loại tiền tệ này cũng chịu chung một kịch bản tương tự với đồng yên của Nhật Bản.

Sự trỗi dậy của các nguồn tài chính phi USD

Thế nhưng, sự bất mãn với vai trò thống trị của đồng USD ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia, nhất là các đối thủ địa chính trị của Mỹ, lên tiếng về việc giảm thiểu sức ảnh hưởng của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Việc ngăn chặn Nga tiếp cận hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới SWIFT trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine là một ví dụ điển hình cho thấy Mỹ đang xem đồng USD là một vũ khí đắc lực.

Không riêng các đối thủ của Mỹ, những quốc gia có quan hệ “êm dịu” với Mỹ như Malaysia hay Brazil cũng đang hối thúc đa dạng hóa tiền tệ. Quá trình “phi USD hóa” đang dần có những bước tiến mới trong thời gian gần đây.

Ấn Độ đang mua dầu của Nga bằng đồng dirham và đồng rúp của UAE. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu, than, và kim loại từ phía Nga. Vào tháng 3 năm nay, công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC và TotalEnergies của Pháp đã sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch LNG của cả hai.

Năm 2023, Bolivia trở thành quốc gia thứ 3 của châu Mỹ Latinh, sau Argentina và Brazil, sử dụng đồng nhân dân tệ trong các thanh toán giao dịch quốc tế. Saudi Arabia cũng đang xem xét việc sử dụng nhân dân tệ cho các giao dịch mua bán dầu mỏ với Trung Quốc. Tỷ lệ nhân dân tệ trong các giao dịch ngoại hối phi tập trung toàn cầu đã tăng từ gần như không có gì trong 15 năm trước lên 7% ở thời điểm hiện tại, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Các quốc gia đang tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của đồng USD.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng khiến Nga đang giao dịch nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ và các ngoại tệ khác. Cách đây một năm, Ấn Độ và Nga đã thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng rúp và đồng rupee.

Các thành viên của khối BRICS cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào USD và tăng cường thanh toán bằng tiền tệ của họ hoặc sớm tung ra một loại tiền tệ chung để thách thức USD. Rõ ràng, các nguồn tài chính phi USD đang xâm nhập ngày càng sâu vào thương mại quốc tế.

“Ngôi vương” của USD vẫn vững, ít nhất là trong thời gian ngắn sắp tới

Đây là nhận định của tờ Asia Times khi nói về khả năng thay thế USD của các đơn vị tiền tệ khác. Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn là nền kinh tế đa dạng, năng động và tương đối linh hoạt.

Đối với nhiều nhà đầu tư, USD vẫn là kênh đầu tư an toàn và lâu dài bởi “độ sâu, tính thanh khoản và sự an toàn của thị trường trái phiếu Kho bạc”, theo nhà kinh tế học Brad Setser.

Trái lại, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn tương đối đóng và thị trường tài chính Trung Quốc ít có khả năng mở tự do trong thời gian ngắn. Việc chuyển từ tiền mặt thành trái phiếu chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do những sự không chắc chắn về quy định.

Theo các chuyên gia, mặc dù chưa có loại tiền tệ nào có khả năng thay thế hoàn toàn đồng USD nhưng tương lai sử dụng USD trên toàn cầu chắc chắn sẽ giảm, nhất là trong một nền kinh tế đa cực.

Cùng chuyên mục
Tin khác