Ký ức nhà chồ trong lòng đô thị mới Sơn Trà

Tấn Phước - 19/01/2023 13:46 (GMT+7)

(VNF) - Quận Sơn Trà, thuộc TP. Đà Nẵng những năm trở lại đây được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến là thành phố có nhịp sống trẻ, kèm theo đó là những công trình vươn cao, bãi biển với bờ cát dài, trải mịn cùng những bước chân du khách rộn rã, sôi động… Để có được diện mạo mới như ngày nay, Sơn Trà đã trải qua nhiều quá trình, nhất là công cuộc “đại giải phẫu” từ những năm 2000. Những khu nhà chồ nhếch nhác đã được thay bằng những tòa nhà cao tầng tráng lệ, đường mở rộng nhộn nhịp ng

VNF

Ký ức nhà chồ ven sông Hàn

Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng từng là một vùng đất heo hút, nhếch nhác. Chạy dọc ven sông Hàn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến cầu Thuận Phước (hiện nay là các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông) là một loạt khu nhà chồ của hàng chục nghìn lao động nghèo.

Những khu nhà chồ chạy dọc bên bờ sông Hàn là bộ mặt u tối của quận Sơn Trà lúc bấy giờ với hàng trăm căn. Ban đêm, nhìn từ bên bờ quận Hải Châu hiện nay, ai cũng có thể nhận thấy sự hiu hắt, mập mờ từ những ngọn đèn dầu trong những căn nhà chồ vách ván dập dềnh trên sóng nước.

Sơn Trà thời điểm đó được đánh giá là vùng có dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, lối sống người miền biển nhiều hủ tục ăn sâu dù mang tiếng đô thị. Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông của quận chậm phát triển. Cuộc sống của người dân lúc đó vô cùng bấp bênh, trẻ em không có điều kiện đến trường hoặc tiếp xúc bên ngoài. Mùa mưa thì rét thấu thịt da, mùa nắng thì cả làng chìm trong không khí đặc quánh, nồng nặc của sông nước ô nhiễm. Đàn ông da đen đã đành, phụ nữ đứa nào da cũng sàm sạm vì hấp phải nước lợ, tóc lại cháy xoắn vì nắng. Bởi vậy ở Đà Nẵng mới có câu “con gái quận 3 không bằng bà già quận 1”.

Hồi nhớ lại những kỉ niệm khi còn sinh sống trên căn nhà chồ của mình, ông Đăng Văn Xê, là một người dân sống tại khu nhà chồ An Thuần, P. An Hải Tây (nay là dự án Eco Village), ông chỉ có một từ để nói là “khổ”. Công việc đi biển đã cơ cực mà cuộc sống trên căn nhà tạm bợ ven sông Hàn lại tạm bợ. “Nhà chồ này cũng giống như nhà sàn. Để ở được khu đất ven sông này, người dân phải đóng từ 4 đến 5 cái trụ xuống đất, sàn được lát ván và trần thì lợp tôn. Cứ như vậy mà ở trên nước. Những lúc nước dâng lên hay biến cố nguy hiểm, người dân trong khu phải di chuyển lên vùng cao”, ông Xê kể.

Cũng chính vì vậy, mỗi khi đi biển thấy trời nổi gió, ông lại rất lo cho vợ con ở nhà. Mỗi khi đài báo có bão dù gần hay xa, cả mấy mẹ con cũng đều phải sang ở tạm những nhà người quen. “Khi nghe tin khu nhà chồ của mình sắp được giải tỏa, tôi và bà con trong khu rất mừng. Chính vì vậy, chỉ trong một vài tháng, người dân nhanh chóng giao đất cho nhà nước, rồi di dời đi ngay đến nơi ở mới”, ông Xê chia sẻ.

Theo ông Hoàng Thanh Thụy, Bí thư Quận ủy đầu tiên của quận Sơn Trà, nhà chồ được hình thành những năm sau giải phóng, do người dân ở các các vùng đất của tỉnh Quảng Nam ra làm nghề đánh bắt cá, mò cua, chài rớ dựng nên. Ban đầu, những người này chỉ là dựng chồ với 4 cái cọc tre (hoặc gỗ), có phên nằm, có mái che để cất vó; sau đó, người dân gia cố cho căn chồ thêm vững chắc, nới rộng ra và đưa vợ, con từ dưới ghe thuyền lên nhà chồ sinh sống.

“Sơn Trà trước những năm 2000 có nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, từ đói nghèo, thất học, dịch bệnh, dân số gia tăng nhanh, an ninh trật tự xã hội phức tạp... Vấn đề nào cũng “nóng”. Sơn Trà ngập tràn những khó khăn, thiếu thốn, từ tỷ lệ hộ nghèo vào tốp đầu của thành phố, tình trạng sinh con đông đến mức báo động, thất học triền miên... hiện hữu như một bức tranh xám màu”, vị Bí thư Quận ủy đầu tiên của quận Sơn Trà nhớ lại.

Hình ảnh nhà chồ dọc sông Hàn trước năm 1997

Hành trình “đại phẫu” Sơn Trà

Nói về cuộc “đại phẫu” quận Sơn Trà, ông Lê Văn Chí, nguyên là Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, cho biết việc quy hoạch và di dời nhà chồ đã có từ những năm 1985 thời Đà Nẵng vẫn là thành phố thuộc tỉnh. Do các nguyên nhân khách quan, chủ trương di dời nhà chồ bị dừng lại. “Hồi thời kỳ đầu thực hiện việc giải tỏa nhà chồ, lãnh đạo thành phố lúc đó có chính sách là cho mỗi nhà một tấn xi măng, một khối gỗ cho những hộ đồng ý di dời từ nhà chồ lên. Tuy nhiên, chính sách này mới làm được một số hộ dân thì không thể làm được nữa, do lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ được chuyển về tỉnh làm việc”, ông Chí nói.

Đến những năm 1997, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được chia tách, chủ trương này mới bắt đầu hiệu thực hiện trở lại. Đây cũng là thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng, khu nhà chồ của phường An Hải Tây là nơi giải tỏa đầu tiên. Nhà nào được vận động lên đều được thành phố cấp đất để sinh sống. Từ khi đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân từ nhà chồ chuyển lên cũng bắt đầu đi vào ổn định. “Sơn Trà ở thời gian này cũng có nhiều vấn đề nổi lên do đất đai, nhưng được ông Nguyễn Bá Thanh xử lý tốt. Chính vì vậy, ông Nguyễn Bá Thanh tạo được lòng tin cho người dân. Nhờ vậy, quận Sơn Trà mới có bộ mặt như bây giờ” ông Lê Văn Chí nhớ lại.

Song song với vệt giải tỏa công trình đường Bạch Đằng Đông, thành phố cũng giải tỏa 25ha đất ở phường An Hải Tây để xây dựng hai khu dân cư An Trung và An Mỹ với tổng cộng 1.099 lô đất với hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đầy đủ.

Theo ông Hoàng Thanh Thụy, cuộc “đại phẫu” Sơn Trà bắt đầu từ việc quy hoạch lại tuyến Bạch Đằng Đông dù quy hoạch tổng thể lúc đó vẫn chưa có. Việc quy hoạch được thực hiện theo từng đoạn và dựa vào điều kiện của thời điểm đó.

“Chưa có quy hoạch tổng thể, thành phố đã tập trung quy hoạch tại những nơi có vị trí trọng điểm. Những nơi trọng điểm ấy có thể kể đến là tuyến Bạch Đằng Đông, bây giờ là tuyến đường Trần Hưng Đạo. Sau khi làm xong tuyến Bạch Đằng Đông, khu vực này được hình thành thành sườn chính và mở nhánh nối sang các vùng khác”, ông Hoàng Thanh Thụy thông tin.

Với những nỗ lực không ngừng, Sơn Trà đã được phủ lên mình diện mạo mới với điểm nhấn ở đây là những tuyến đường khang trang; khu dân cư mới; điện sáng và cây xanh được phủ khắp… Cũng nhờ vậy, bức tranh xóm lao động nghèo quanh năm ẩm thấp, những khu nhà chồ tối tăm, chật chội trên sóng nước nhấp nhô chỉ còn là ký ức trong tâm trí của người dân Đà Nẵng ngày nay. “Ai đã từng sinh sống tại Sơn Trà xưa đến nay trở về cũng phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng đất này, thậm chí là lạc đường bởi Sơn Trà ngày nay đã được thay đổi rất nhiều”, Bí thư quận ủy Sơn Trà tâm sự.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác