Làm gì để không bị 'chết yểu' khi kinh doanh theo chuỗi?

Chung Thủy - 31/10/2019 08:26 (GMT+7)

Để kinh doanh theo chuỗi thành công và bền vững thì công tác quản trị phải thực hiện nghiêm túc, công khai minh bạch.

VNF

Mới đây, việc chuỗi nhà hàng Món Huế đột ngột đóng cửa trong khi vẫn nợ lương nhân viên và một món nợ khổng lồ vẫn chưa thanh toán cho các nhà cung cấp đã gây xôn xao dư luận và giới kinh doanh Việt Nam. 

Sau khi vụ việc vỡ lở, các nhà cung cấp cho chuỗi Món Huế ở TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác đã lần lượt nộp đơn đến công an địa phương để tố cáo công ty này. Đến thời điểm này, bộ phận quản lý và ông chủ của chuỗi Nhà hàng Món Huế vẫn không thể liên lạc được.

Qua sự đổ vỡ, phá sản của Công ty Món Huế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây có thể xem là vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống trong vòng 10 năm trở lại đây. Bởi trước đây, trên thị trường đã có nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm hay cà phê phát triển rầm rộ rồi thu nhỏ quy mô và cuối cùng là đóng, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nhưng chưa có thương vụ kinh doanh nào lỗ lớn như vậy. 

Đến nay cũng chưa có cơ sở chắc chắn để kết luận về nguyên nhân “đột tử” của thương hiệu đình đám này. Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành thực phẩm, đồ uống, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, để quản trị và phát triển một chuỗi bán lẻ là rất khó vì phải cần một nền tảng sản phẩm và thương hiệu vững chắc trước khi phát triển, cùng với đó là sự đầu tư bài bản về chiến lược kinh doanh, thời gian, công sức… 

Sự sụp đổ của chuỗi nhà hàng Món Huế đã phản ánh sự khắc nghiệt của thị trường thực phẩm đồ uống hiện nay dù rằng đây vốn được đánh giá là đầy tiềm năng, dễ sinh lời và rất hấp dẫn ở Việt Nam. Bởi thực tế, việc kinh doanh theo chuỗi trong lĩnh vực ẩm thực phải cạnh tranh rất gay gắt với những cửa hàng, quán ăn truyền thống, thậm chí là sự hấp dẫn của các quán ăn vỉa hè…

Các cửa hàng mở theo chuỗi dù có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng cũng khó tồn tại lâu dài. Bởi, mở một cửa hàng có thể có lời nhưng mở nhiều cửa hàng cùng một lúc thì chi phí, khấu hao, lương nhân viên… lại là vấn đề lớn, càng mở nhiều càng lỗ.

Theo phân tích của TS Lê Đăng Doanh, kinh doanh theo chuỗi là phương thức kinh doanh rất phổ biến trên thế giới và đã có nhiều hãng, nhiều hình thức kinh doanh áp dụng thành công. 

Trở lại vụ việc của Công ty Món Huế, mặc dù thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhưng bộ phận lãnh đạo của chuỗi đã mắc phải nhiều sai phạm trong kinh doanh nên đã dẫn đến việc thua lỗ như vậy. 

Điều khiến nhiều người thắc mắc là vì sao doanh nghiệp này có thể lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của các nhà cung cấp trong một thời gian dài như vậy? Lý giải điều này, ông Doanh cho rằng, sở dĩ làm được việc này là do công ty đã tạo dựng được chuỗi giá trị rất lớn, có uy tín thu hút được khách hàng và có rất nhiều nhà đầu tư “đổ” tiền vào đó. 

Tuy nhiên, điều mà “bộ sậu” của công ty này còn yếu và thiếu đó là phương thức quản trị kinh doanh không chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, kéo theo cả chuỗi nhà hàng sụp đổ. Theo ông Doanh, vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo nên cần có sự vào cuộc của cảnh sát điều tra và cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu công ty.

TS Lê Đăng Doanh đưa ra lời khuyên: để kinh doanh theo chuỗi thành công và bền vững thì công tác quản trị phải thực hiện nghiêm túc, công khai minh bạch, luôn công bố đầy đủ, chính xác các thông tin và tình hình của nhà hàng để các nhà đầu tư biết, nếu có xảy ra vấn đề gì tất cả các thành viên hay cổ đông cùng tham gia “cứu vãn”, giải quyết.   

Ông Doanh cũng chỉ ra một thực tế, trên thế giới đã từng có rất nhiều trường hợp các “lâu đài” bị sụp đổ một cách nhanh chóng và từng có nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ cũng đã sụp đổ năm 2011. Do đó, khi kinh doanh theo chuỗi thì cần nghiên cứu thị trường, cần năng động và linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, phải thực hiện công khai minh bạch và có giám sát độc lập để tránh các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trường hợp của chuỗi nhà hàng Món Huế. 

Với lĩnh vực đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng, đầu tư là một vấn đề được quyết định trên cơ sở các căn cứ rất khách quan và cần phân tích rõ ràng nhiều yếu tố chứ không phải là việc làm theo cảm tính, thấy nhiều người đầu tư vào thì cũng đầu tư theo. Đó là hiệu ứng bầy đàn hay hiệu ứng đám đông. Trong kinh doanh theo chuỗi, nếu theo xu hướng này thì rất dễ sụp đổ.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác