'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Lần đầu tiên sau gần một nửa thế kỷ, "lạm phát đình trệ" lại trở thành một vấn đề gây xôn xao dư luận, cùng với đó là những thảo luận về phía cung, giá dầu tăng vọt và lạm phát cao kéo dài hàng thập kỷ, trong khi các nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong bài viết đăng tải trên trang Sydney Morning Herald, chuyên gia Stephen Bartholomousz giải thích lạm phát đình trệ là sự kết hợp bất thường giữa tăng trưởng kinh tế yếu và mức độ lạm phát cao.
Tác giả viết, vào năm 1973, nhóm thành viên Arab của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ với Mỹ và một số nước khác để trả đũa việc họ ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur. Động thái này khiến giá dầu tăng vọt và dẫn đến giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, ở ngưỡng 15%, và duy trì trạng thái đó cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), do Chủ tịch Paul Volcker dẫn đầu, nâng lãi suất cơ bản lên 20%. Cùng với sự cộng hưởng của tỷ lệ thất nghiệp đạt 10%, lạm phát đã quay trở lại trong giới hạn kiểm soát vào đầu những năm 1980.
Chuyên gia Bartholomousz đặt câu hỏi: Tại sao "bóng ma quá khứ" - tình trạng lạm phát đình trệ - lại trở thành một chủ đề thảo luận chính của các nhà kinh tế học hiện nay?
Theo tác giả, các nền kinh tế đã trải qua một giai đoạn lạm phát bền vững, với tỷ lệ thấp hiếm thấy, kể từ "cú sốc" trong quá khứ. Lạm phát 5,4% của Mỹ hiện nay là mức cao nhất, tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giá dầu gần đây đã tăng chóng mặt, đạt hơn 85 USD/thùng, cao gấp đôi so với giá của một năm trước và cao hơn gần 50% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Giá các mặt hàng khác cũng tăng mạnh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu và châu Á đẩy giá than và khí đốt lên mức cao kỷ lục, kết hợp với sự mất cân bằng cung-cầu nghiêm trọng được quan sát thấy ở một số mặt hàng kim loại cứng như đồng và nhôm.
Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu áp lực từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, vì cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, đã bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch. Tình trạng khan hiếm tàu chở hàng dẫn đến giá vận chuyển container từ Trung Quốc sang châu Âu hoặc từ Trung Quốc sang Mỹ tăng hàng trăm phần trăm.
Những tác động liên tục của đại dịch, đặc biệt là biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát tiền lương. Ngoài ra, còn có thể kể đến một lượng thanh khoản chưa từng có xung quanh hệ thống tài chính toàn cầu do phản ứng của các ngân hàng trung ương và các chính phủ. Chính sách tiền tệ và tài khóa đã và sẽ tiếp tục được nới lỏng.
Bối cảnh này có dẫn đến lạm phát đình trệ hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu ảnh hưởng do lạm phát tạo ra và cú sốc từ phía cung là nhất thời hay cố định.
Tác giả cho rằng điều này rất quan trọng. Tăng trưởng liên tục thấp và lạm phát cao buộc các ngân hàng trung ương phải hành động, đẩy lãi suất tăng trong một thế giới có mức nợ lớn chưa từng có. Hành động tăng lãi suất có thể kìm hãm lạm phát, nhưng nó sẽ gây ra suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao và làm thị trường tài chính tan rã.
Thách thức và câu hỏi đặt ra ở phía nguồn cung và liệu sự gián đoạn của đại dịch đối với hoạt động sản xuất và đầu tư có thể được giải quyết trước khi lạm phát tăng lên ở mức cao không tưởng hay không?
Giá dầu có lẽ là vấn đề nhỏ nhất trong thách thức kết hợp này. OPEC, trước đại dịch, đã ban hành các biện pháp đối phó với tình trạng dư cung và giá giảm bằng cách cắt giảm sản lượng.
Trong năm vừa qua, OPEC đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc khôi phục năng lực sản xuất. Nếu nhóm này lựa chọn tăng nguồn cung, đi kèm với sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ đang phục hồi, giá dầu sẽ có khả năng giảm xuống.
Tuy nhiên, giá dầu, khí đốt và than tăng một phần là do kết quả từ các nỗ lực giảm cường độ phát thải carbon của nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp đang giảm đầu tư vào lĩnh vực này và do đó duy trì mức độ cạn kiệt đối với nhiên liệu hóa thạch. Tác động của nhu cầu vô cùng cao đối với nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc có nghĩa là giá cả sẽ tiếp tục duy trì mức tương đối cao trong ngắn và trung hạn.
Vấn đề khó khăn hơn cả có lẽ là về chuỗi cung ứng. Hai động lực lớn của tăng trưởng toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc đã tách rời nhau từ trước khi đại dịch bùng phát. Bằng cách nêu bật sự dễ bị tổn thương bởi hiện trạng phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa quan trọng, đại dịch đã tạo thêm áp lực cho các quốc gia trong việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất về trong nước, với lý do là vì lợi ích quốc gia.
Ngay cả khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phần lớn các nước phương Tây đã dẫn đến một số cơ cấu lại cơ sở sản xuất toàn cầu, thì việc lôi kéo các công ty đa quốc gia trở về sản xuất trong nước cũng là việc làm hết sức khó khăn.
Sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí cho việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất. Việc Trung Quốc nổi lên với tư cách là cơ sở sản xuất của thế giới và sự tăng trưởng "chóng mặt" của nước này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là lý do chính dẫn đến lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử, suốt một thập kỷ vừa qua. Đây vốn được coi là một vấn đề đáng lo ngại nhiều hơn là một lợi ích.
Trung Quốc đã "xuất khẩu" giảm phát ra thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây, nhưng tiêu chuẩn sống của người dân lại được cải thiện. Sự tách rời của Trung Quốc với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, cùng một vài "rạn nứt" nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng trong nước ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch và bối cảnh toàn cầu đang làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với mức độ lạm phát toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu phản ứng với tỷ lệ lạm phát tăng cao. Một vài cơ quan đã nâng lãi suất và bắt đầu rút dần các biện pháp nới lỏng tiền tệ bất thường mà họ đã thực hiện trong đại dịch.
Fed, cơ quan có ảnh hưởng nhất trong các ngân hàng trung ương, đã báo trước rằng tới cuối năm nay sẽ bắt đầu cắt giảm 120 tỷ USD mua trái phiếu và thế chấp mỗi tháng, hành động mà cơ quan này đã liên tục thực hiện kể từ tháng 3/2020. Một đợt tăng lãi suất mới có thể đến sớm nhất là vào năm sau.
Các chính phủ đã đối phó với thách thức kéo dài một thập kỷ của đại dịch bằng biện pháp kích thích tài khóa trên quy mô lớn chưa từng có, gấp nhiều lần so với hành động ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giờ đây, các chính phủ cũng sẽ kết thúc, hoặc bắt đầu rút lại, các biện pháp khẩn cấp đó.
Tất nhiên, các chính phủ sẽ phải tìm cách đối phó với di sản nợ tăng đáng kể.
Đó là lý do vì sao một số người tin rằng sự kết hợp của lạm phát cao, tăng trưởng thấp và tăng nợ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mới, có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Mặc dù có thể lập luận rằng các ngân hàng trung ương đã không phản ứng đủ nhanh trước mối đe dọa lạm phát, song Fed và một số ngân hàng trung ương khác vẫn cho rằng đây là một hiện tượng nhất thời và sẽ biến mất như một mối đe dọa, khi thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch.
Theo một số chuyên gia, các ngân hàng trung ương có lẽ nên đẩy nhanh kế hoạch rút thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính của họ, ngay cả khi điều đó có thể gây ra một số "cơn thịnh nộ" nhỏ trên thị trường.
Theo thời gian, nếu các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới có thể được ngăn chặn, các vấn đề gây khó khăn cho chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết hoàn toàn, hoặc ít nhất là được giải quyết tốt hơn, và cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến những suy nghĩ hiệu quả hơn cho việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang một tương lai không phát thải ròng, qua đó giảm sự biến động về giá năng lượng.
Tuy nhiên, khả năng lạm phát đình trệ và các kết quả tiêu cực ẩn sau sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và tỷ lệ lạm phát hiện tương đối cao.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng mối đe dọa đó có thể được ngăn chặn, nếu các nhà hoạch định chính sách quyết đoán hơn, trong điều kiện các nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt được mức tăng trưởng bền vững sau đại dịch
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.