Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Sau trường hợp của Tân Hoàng Minh, gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện một số thông tin liên quan việc doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu.
Theo nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp thời gian qua đang tăng cao trong bối cảnh ngành bất động sản gặp nhiều “sóng gió”, đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.
FiinRatings cho rằng điều này có thể sẽ còn xảy ra với một số trường hợp khác khi mà phần đông tổ chức phát hành trong 2-3 năm trước là các doanh nghiệp chưa niêm yết bao gồm công ty dự án có sức khỏe tài chính yếu, chưa có lịch sử kinh doanh và dòng tiền ổn định, do đó, hồ sơ tín dụng chưa được tốt hoặc chưa đáp ứng tiêu chí vay tín dụng ngân hàng cũng như huy động nguồn vốn khác trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, qua đó giúp các doanh nghiệp sớm có cơ sở để tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu, từ đó làm giảm bớt nỗi lo chậm trả lãi, gốc trái phiếu, tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn tồn tại trên thị trường này và nhà đầu tư cá nhân cần hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất thị trường để hành động đúng.
Với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện nhanh chóng. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ngày càng thấp và đã lao dốc trong thời kỳ Covid-19, dòng tiền của người dân có xu hướng “đổ xô” tìm đến các sản phẩm đầu tư có lãi suất cố định hấp dẫn như trái phiếu doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao thời gian qua “nở rộ” việc nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.
Xét trên khía cạnh người mua, trái phiếu về cơ bản là một sản phẩm đầu tư. Và khi đầu tư, điều căn bản là cần phải xác định được tương quan rủi ro – lợi ích (risk and reward).
Trong khi các nhà đầu tư tổ chức (nhất là các ngân hàng, các quỹ đầu tư) hiểu rõ tương quan rủi ro – lợi nhuận và có khả năng thẩm định trái phiếu cũng như giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp thì điều này lại khá hạn chế ở các nhà đầu tư cá nhân. Phần đông nhà đầu tư cá nhân không hiểu rõ bản chất rủi ro của sản phẩm trái phiếu và bị cuốn vào việc so sánh lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi tiết kiệm.
Đây là “lỗ hổng” để nhiều nhà phát hành trái phiếu cũng như nhà phân phối trái phiếu lợi dụng nhằm ép lãi suất trái phiếu xuống mức thấp hơn mức rủi ro mà người mua phải chịu.
Chẳng hạn, trên khía cạnh phân phối trái phiếu, không ít nhà đầu tư được nhân viên ngân hàng giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng không được tư vấn đúng bản chất nên lầm tưởng là đang mua một sản phẩm của ngân hàng – rất ít rủi ro nhưng lại hưởng lãi suất cao hơn đáng kể lãi suất gửi tiết kiệm. Vụ việc Tân Hoàng Minh nổ ra như một lời cảnh tỉnh khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ bản chất rủi ro hơn và bớt lầm tưởng hơn.
Trên khía cạnh phát hành trái phiếu, không ít doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của pháp luật hoặc/và lỗ hổng về sự hiểu biết của nhà đầu tư cá nhân để phát hành trái phiếu có mức độ rủi ro cao hơn lợi ích mà người mua nhận được. Rõ thấy nhất là việc Tân Hoàng Minh mua chính trái phiếu của công ty con rồi “xé lẻ” ra bán cho nhà đầu tư cá nhân thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư. Khi rủi ro xảy ra, nhà đầu tư mới nhận ra rằng không dễ đòi lại tiền kể cả khi có tài sản bảo đảm là bất động sản, thậm chí một số người mới “ngớ” ra là họ không phải là trái chủ.
Trên thực tế, cách làm của Tân Hoàng Minh không phải là cá biệt. Và không hiếm các trường hợp có cấu trúc vay nợ hết sức phức tạp, tài sản bảo đảm không “sạch”, có vấn đề trong định giá tài sản bảo đảm, các pháp nhân huy động vốn có khả năng trả nợ rất kém và không được pháp nhân uy tín khác bảo lãnh…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng có khuynh hướng “yêu thích” phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân bởi họ không có khả năng giám sát mục đích sử dụng vốn, nhờ đó, doanh nghiệp có thể “đắp chỗ nọ”, “bù chỗ kia”, thay vì tập trung đầu tư đúng mục đích sử dụng vốn, tạo dòng tiền thật từ dự án để trả nợ thì lại tìm cách “đảo nợ” bằng cách phát hành trái phiếu mới lấy tiền để trả nợ trái phiếu cũ.
Đối với bản thân người mua là nhà đầu tư cá nhân, nhiều người vì lãi cao, vì lời mời chào của môi giới… mà tự tìm cách thẩm định rủi ro trái phiếu nhưng do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên rơi vào “bẫy” đơn giản hóa quá mức rủi ro hoặc hiểu lầm về rủi ro.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, nhưng dòng tiền kinh doanh đều đặn, khả năng trả nợ rất tốt; trái phiếu của doanh nghiệp này thậm chí còn ít rủi ro hơn trái phiếu của các doanh nghiệp có tài sản bảo đảm là cổ phiếu, bất động sản nhưng dòng tiền kinh doanh “èo uột”. Thế nhưng thông thường, nhà đầu tư cá nhân lại có xu hướng nhìn vào tài sản bảo đảm bởi tài sản bảo đảm là “dễ” định hình nhất, còn việc thẩm định khả năng trả nợ là vượt ngoài khả năng của họ.
Trong khi đó, việc hiểu đúng, hiểu đủ về tài sản bảo đảm cũng không hề dễ. Ví dụ, với tài sản bảo đảm thường được nhà đầu tư ưa thích nhất là bất động sản, cần nắm bắt được tình trạng pháp lý, mức giá thực tế, thanh khoản trên thị trường… Hoặc như tài sản bảo đảm là cổ phiếu, cần biết rằng khi vỡ nợ trái phiếu, cổ phiếu có thể không còn giá trị đáng kể.
Nhà đầu tư cá nhân cần phải hiểu rằng sản phẩm trái phiếu nào cũng có rủi ro. Nhà đầu tư có quyền tự tìm cách thẩm định rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình; hoặc đầu tư gián tiếp vào các quỹ đầu tư trái phiếu và chấp nhận lãi suất thấp hơn so với mua trái phiếu trực tiếp; hoặc tìm đến các trái phiếu đã được thẩm định bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhưng chấp nhận ít lựa chọn hơn bởi số lượng trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm hiện nay chưa nhiều.
Nếu nhà đầu tư quyết định tự tìm cách thẩm định trái phiếu, điểm đầu tiên cần lưu ý là phải tìm đến các sản phẩm trái phiếu hợp pháp, hợp lệ. Ở đây có vai trò của cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh, kiểm tra và cảnh báo cũng như xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy vậy, bản thân nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ sản phẩm trái phiếu, tránh trường hợp vì thiếu hiểu biết mà lầm tưởng về sản phẩm, chẳng hạn như lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm của ngân hàng hay lầm tưởng hợp đồng hợp tác đầu tư mua trái phiếu là hợp đồng mua trái phiếu… Ngoài ra, việc tìm kiếm được môi giới trái phiếu “có tâm, có tầm” cũng giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý nói riêng và giúp giải quyết phần nào bài toán bất cân xứng thông tin giữa người mua và người bán nói chung.
Thứ hai là phải tìm cách thẩm định khả năng trả nợ. Trước tiên, nhà đầu tư cá nhân cần tìm đến trái phiếu của các doanh nghiệp công khai, minh bạch mục đích sử dụng vốn, số liệu tài chính, báo cáo tài chính cũng như kế hoạch phát triển, kế hoạch trả nợ. Nếu trái phiếu được một pháp nhân khác bảo lãnh chi trả thì cần tiếp cận số liệu tài chính, báo cáo tài chính cũng như kế hoạch trả nợ (nếu có) của pháp nhân này. Sau đó, tự thực hiện thẩm định (nếu đủ năng lực) hoặc tìm đến những người có chuyên môn.
Thứ ba là thẩm định tài sản bảo đảm của trái phiếu. Đầu tiên phải tìm hiểu được tình hình pháp lý của tài sản bảo đảm, ưu tiên tài sản bảo đảm “sạch”, pháp lý đầy đủ, không tranh chấp… Sau đó là đánh giá về giá trị và tính thanh khoản của tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, trên thực tế, có thể nhà đầu tư cá nhân không đủ năng lực để thẩm định tài sản bảo đảm. Khi đó, cần ưu tiên trái phiếu của các doanh nghiệp công khai, minh bạch thực trạng của tài sản bảo đảm với sự tham gia tích cực, khách quan của bên thứ ba như công ty thẩm định giá.
Thứ tư, nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá về mức độ uy tín của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Thông thường, trái phiếu của những doanh nghiệp quy mô lớn, niêm yết trên sàn chứng khoán có mức độ an toàn cao hơn.
Thứ năm là lưu ý đến tính thanh khoản của trái phiếu. Hiện nay, các đơn vị phân phối trái phiếu cũng đã thiết kế các cách thức riêng để tạo thanh khoản cho trái phiếu, tuy nhiên mỗi đơn vị lại có cách khác nhau, chẳng hạn một số ngân hàng có hệ thống giao dịch trái phiếu nội bộ, một số công ty chứng khoán đảm bảo mua lại trái phiếu theo từng mốc thời gian cụ thể…
Về phía cơ quan quản lý, cũng cần sớm thành lập sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp kèm điều kiện niêm yết, vừa tạo điều kiện để thị trường tự định hình mức độ hấp dẫn của từng trái phiếu, vừa giúp tăng tính thanh khoản của trái phiếu.
Cuối cùng, nhà đầu tư cá nhân cần có tâm thế tôn trọng tính thị trường của trái phiếu và tôn trọng quyết định đầu tư của mình cũng như chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Về phía cơ quan quản lý, thay vì “bao bọc”, thị trường trái phiếu Việt Nam cũng như các bên tham gia thị trường cần được trưởng thành tự nhiên. Lòng tham và sự sợ hãi là 2 thái cực tự điều chỉnh nhau trên các thị trường đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, không nên quá lo lắng nếu xảy ra các vụ chậm chi trả nợ gốc và lãi vay hay thậm chí là vỡ nợ trái phiếu, nhất là khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là quá lớn, các doanh nhiệp vẫn có thể xoay xở các nguồn vốn ở kênh khác, nhất là kênh ngân hàng.
Trong báo cáo công bố gần đây, FiinRatings nhấn mạnh nên nhìn nhận vấn đề không chi trả được nợ gốc và lãi vay trên thị trường trái phiếu một cách thực tế và công bằng, bởi các trường hợp này cũng tương tự như nợ xấu ngân hàng.
Theo FiinRatings, ở Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô gần 7,8 nghìn tỷ USD, tương đương gần 44% GDP và tỷ lệ nợ có vấn đề ở mức 1,4% trên tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp này là không quá lớn nhưng nếu chỉ tính nhóm trái phiếu có tính đầu cơ thì tỷ lệ có vấn đề đã tăng lên 28,6% vào năm 2021 và được Goldman Sachs dự báo sẽ tăng lên 31,6% vào cuối năm 2022 sau những biện pháp cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc trong 2 năm qua.
Nhìn sang Thái Lan, tỷ lệ vỡ nợ cũng ở mức 1,07% vào năm 2020 và riêng các trái phiếu có tính đầu cơ có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức BB trở xuống cũng lên đến 9,01% sau khoảng thời gian 1 năm.
“Do đó, thị trường cần một hệ thống định nghĩa lại về vấn đề này để nhà đầu tư nắm rõ thực tế thực trạng chất lượng tín dụng trái phiếu doanh nghiệp và có các biện pháp rủi ro cần thiết nhưng thị trường vẫn vận hành ổn định và phát triển bình thường”, phía FiinRatings nêu quan điểm.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.