Lần đầu tiên sau 30 năm, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Lê Nguyễn - 30/01/2019 09:37 (GMT+7)

(VNF) – Với việc thu hút 7,5 tỷ USD trong năm 2018, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

VNF
Lần đầu tiên sau 30 năm, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, tính đến hết ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD.

Năm 2018, Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất của Hà Nội là bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Nhật Bản đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Trong giai đoạn đầu (1989-2005), khi nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì FDI là kênh thu hút vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, trung bình chiếm đến 25,3%; giai đoạn 2006-2015 là 12,3% và hiện nay khoảng 9,9% (trung bình toàn quốc là 20%), góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thành phố, tăng trung bình trên 10% nguồn thu cho ngân sách Nhà nước của Thành phố, thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực ô tô, hoá chất, quản lý khách sạn, y tế, giáo dục.

FDI tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng khoảng 295.000 người; thu nhập bỉnh quân khoảng 11,6 triệu đồng/người/tháng, cao hon thu nhập trung bình của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng vốn FDI khi thiếu chiến lược/quy hoạch từ phía các bộ, ngành trung ương; quy mô vốn đầu tư các dự án FDI nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài thấp, chưa phát huy được tiềm năng của nguồn vốn FDI.

Bên cạnh đó, hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá; đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vẫn tồn tại. Dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.

Cùng chuyên mục
Tin khác