Tài chính

Lãnh đạo Hà Đô: 'Việc thoái vốn của Bộ Quốc phòng là theo lộ trình'

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance sáng 11/10, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hà Đô 756 Sài Gòn (chủ đầu tư dự án Hà Đô Centrosa) - ông Phạm Quốc Huân - cho biết, việc Bộ Quốc phòng thoái vốn tại tập đoàn là theo lộ trình.

Lãnh đạo Hà Đô: 'Việc thoái vốn của Bộ Quốc phòng là theo lộ trình'

Theo lãnh đạo Hà Đô, việc Bộ Quốc phòng thoái vốn tại doanh nghiệp là theo lộ trình

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã bán hết 9,94% vốn cổ phần nắm giữ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, ước tính thu về hơn 264 tỷ đồng. Việc rút vốn này gây bất ngờ khi thị giá cổ phiếu tập đoàn (HOSE: HDG) đang lên đỉnh so với đầu năm.

Động thái này dấy lên quan ngại lớn vì Tập đoàn Hà Đô được biết đến như một trong số ít các doanh nghiệp phát triển dự án trên quỹ đất có nguồn gốc quốc phòng. Với vốn cổ phần gần 760 tỷ đồng, Hà Đô thuộc nhóm công ty tầm trung so với các doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nửa đầu năm, Hà Đô ghi nhận 755 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 41% là doanh thu từ kinh doanh bất động sản; hợp đồng xây dựng cũng đóp góp 25% doanh thu và hoạt động thủy điện đóng góp 22%.

Hà Đô Centrosa, dự án mới nhất Tập đoàn Hà Đô phát triển trên quỹ đất quốc phòng

"Việc thoái vốn của Bộ Quốc phòng là theo lộ trình. Việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn và chiến lược lâu dài"- ông Huân khẳng định. Trả lời câu hỏi của VietnamFinance về khả năng ảnh hưởng đến quỹ đất và các dự án đã xây dựng trên đất có nguồn gốc quốc phòng, ông Huân cho biết các dự án đã được phê duyệt theo đúng quy định và độc lập, không liên quan đến phần vốn góp.

Tại TP HCM, dự án gần nhất của tập đoàn này là Hà Đô Centrosa tại quận 10, ký hợp đồng cho khách hàng thuê 50 năm thay vì hợp đồng bán. Nguyên nhân là quỹ đất này có nguồn gốc quốc phòng.

Dự án biệt thự của Tập đoàn Hà Đô hoang phế ở khu Đông TP HCM

Mặc dù doanh thu thuần nửa đầu năm tăng mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của Hà Đô giảm gần 3 lần, chỉ đạt 22,5 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 62 tỷ đồng). Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh do chi phí tăng cao và thu nhập khác tụt dốc. Tại thời điểm kết thúc quý II, tài sản của công ty hơn 7.900 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn điều lệ hiện tại. tổng nợ phải trả của Hà Đô lên tới 6.076 tỷ đồng, gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.300 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng đã vượt quá 2.700 tỷ đồng.

Diễn biến trên sàn giao dịch, cổ phiếu HDG không có nhiều biến động sau thông tin Bộ Quốc phòng thoái vốn, hiện giao dịch quanh mốc hơn 33 nghìn đồng/cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu HDG đã tăng hơn 10 nghìn đồng/cổ phiếu so với thời điểm đầu năm. 

Tin mới lên