Lên sàn tháng 1/2018, HDBank sẽ lọt nhóm 7 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường

Trang Lê - 19/12/2017 08:03 (GMT+7)

(VNF) - Theo HSC, dựa vào giá giao dịch OTC gần nhất là khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu và 882,88 triệu cổ phiếu được niêm yết thì vốn hóa thị trường của HDBank sẽ vào khoảng ít nhất là 27.810 tỷ đồng (1.225 tỷ USD). Dựa trên tính toán giả định này thì HDBank sẽ là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 7 trên thị trường.

VNF
Gần đây, HDBank cũng đã hoàn tất đợt bán cổ phiếu riêng lẻ nâng vốn điều lệ lên 9.810 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017 và nằm trong Top 10 Ngân hàng thương mại niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã hoàn tất đợt bán cổ phiếu riêng lẻ nâng vốn điều lệ lên 9,81 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu HDBank dự kiến sẽ niêm yết trên HSX vào đầu tháng 1/2018.

HDBank đã có hai đợt tăng vốn và nâng vốn điều lệ lên 9.810 tỷ đồng. Cụ thể, HDBank đã hoàn tất đợt bán cổ phần riêng lẻ tương ứng 98,1 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn lên 9.810 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017 (tăng 21,11% so với cuối năm 2016).

Trước đó, ngân hàng này đã nâng vốn điều lệ thêm 9% từ 8.100 tỷ đồng vào đầu năm 2017 lên 8.829 tỷ đồng vào đầu tháng 11/2017 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức (cổ đông nắm 10 cổ phiếu sẽ được nhận 0,9 cổ phiếu mới). 

Gần đây, HDBank cũng đã hoàn tất đợt bán cổ phiếu riêng lẻ nâng vốn điều lệ lên 9.810 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2017 và nằm trong Top 10 Ngân hàng thương mại niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất.

Tuy nhiên, HDBank vẫn chưa chính thức công bố thông tin về nhà đầu tư tham gia đợt bán cổ phần riêng lẻ cũng như giá bán. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HDBank, HDBank dự kiến bán riêng lẻ khoảng 20% cổ phiếu lưu hành thứ cấp cho một số nhà đầu tư mới thông qua một số thương vụ được cơ cấu với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD.

Sau đó, các cổ đông bán cổ phiếu dự kiến sẽ dùng tiền thu được để mua cổ phiếu HDBank phát hành mới ở cùng mức giá bán trước đó. Nói cách khác, cấu trúc thương vụ của HDBank lần này cũng giống như đã diễn ra với cổ phiếu VPB trước đó.

Do vậy, HSC cho rằng việc bán cổ phần riêng lẻ là một bước trong thương vụ được cơ cấu này. Nếu thông tin trên là đúng thì mỗi cổ phiếu HDBank mới phát hành sẽ đem lại thặng dư khoảng 22.000 đồng, từ đó giúp cải thiện đáng kể giá trị sổ sách của HDBank.

Ngoài ra, lợi nhuận chưa phân phối của HDBank nhiều khả năng cũng sẽ tăng mạnh trong năm 2017 nếu nhìn vào sự tăng trưởng mạnh tới 251,19% so với cùng kỳ của lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm.

HDBank sẽ niêm yết trên sàn HSX vào đầu tháng 1/2018. Ngân hàng này đã nộp hồ sơ niêm yết vào ngày 4/12/2017 cho tổng cộng 882,88 triệu cổ phiếu và đang chờ phê duyệt niêm yết của HSX.

Cổ phiếu HDBank đã ngừng giao dịch trên thị trường OTC từ ngày 14/12 để chuẩn bị niêm yết. Hiện chưa có thông tin về giá tham chiếu chào sàn cũng như ngày chào sàn. Tuy nhiên, theo HSC, dựa vào giá giao dịch OTC gần nhất là khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu và 882,88 triệu cổ phiếu được niêm yết thì vốn hóa thị trường của HDBank sẽ vào khoảng ít nhất là 27.810 tỷ đồng (1,225 tỷ USD). Dựa trên tính toán giả định này thì HDBank sẽ là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 7 trên thị trường.

Trong năm 2018, dự kiến sẽ có thêm một số ngân hàng nữa niêm yết, cả trên HSX, HNX và UpCOM. Hiện toàn ngành có 35 ngân hàng trong nước. Cho đến nay đã có 16 ngân hàng niêm yết, còn 15 ngân hàng có cổ phiếu vẫn giao dịch trên OTC (không gồm 3 ngân hàng 0 đồng là CBBank, GPBank, OceanBank và 1 ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á) cần niêm yết trong năm 2018 và một vài năm sau.

Chẳng hạn như Techcombank, TPBank nhiều khả năng niêm yết trên HSX vào nửa đầu năm 2018; OCB nhiều khả năng niêm yết trên HSX vào nửa cuối năm 2018; Nam A bank, Maritime Bank, VietABank, SeABank nhiều khả năng sẽ niêm yết trên UpCOM trong năm 2018.

Cùng chuyên mục
Tin khác