'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Cách đây tầm hơn 2 năm, hàng loạt chuỗi cầm đồ liên tục báo lợi nhuận đạt mức cao kỷ lục. Vào thời điểm đó, thị trường cầm đồ được ví như mảnh đất “trăm hoa đua nở”, nơi mà chỉ cần chọn bừa cũng tìm ra được một chuỗi cầm đồ có lợi nhuận cao ngất ngưởng.
Ngay cả trong thời đại dịch Covid-19, các chuỗi cầm đồ vẫn sống khỏe. Thế nhưng bước sang năm 2023, sóng gió bắt đầu ập đến. Lợi nhuận liên tục lao dốc, những lùm xùm về nợ xấu khiến nhiều chuỗi cầm đồ lao đao.
Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an vào cuối năm 2022, ước tính Việt Nam có khoảng 27.000 cơ sở cầm đồ đang hoạt động. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều bởi còn nhiều cơ sở chưa đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động chui.
Ngoài những cơ sở cầm đồ truyền thống, thị trường cầm đồ tại Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn, tức các công ty phát triển theo dạng chuỗi, như F88, VietMoney, Người Bạn Vàng, Srisawad,… Đây cũng là những tên tuổi dẫn dắt thị trường cầm đồ phát triển theo hướng mới, như cách người ta hay nói là “đưa dịch vụ cầm đồ bước ra ánh sáng”.
Báo cáo của Vietdata chỉ ra, Công ty CP kinh doanh F88, chủ sở hữu vận hành chuỗi cầm đồ cùng tên hiện là doanh nghiệp có quy mô chuỗi cửa hàng cầm đồ lớn nhất thị trường với hơn 814 cửa hàng trên toàn quốc.
Trong năm 2023, F88 báo lỗ sau thuế hơn 529 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù doanh thu tăng 12%, quy mô khách hàng tăng 43% so với năm 2022 nhưng F88 vẫn không thể tránh khỏi khoản lỗ khổng lồ.
Đáng nói là trước khi thua lỗ, trong 4 năm liên tiếp trước đó, doanh nghiệp này liên tục báo lãi. Trong giai đoạn từ 2019 – 2022, lợi nhuận sau thuế của F88 tăng từ 16,6 tỷ đồng lên 212 tỷ đồng. Con số 212 tỷ đồng cũng là mức lợi nhuận cao nhất của chuỗi cầm đồ này kể từ khi đi vào hoạt động. Chỉ sau 1 năm, F88 đã phải cõng khoản lỗ cao gấp 2 lần khoản lãi kỷ lục của năm 2022.
VietMoney cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm dần đều qua các năm và lỗ 22 tỷ đồng vào năm 2022. Cùng chung số phận, công ty Srisawad Việt Nam với 120 cửa hàng cũng chứng kiến mức lỗ sau thuế lên tới 75 tỷ đồng trong năm 2022.
Bức tranh tài chính của Tiện Ngay cũng không khác biệt là bao. Mặc dù doanh thu của công ty tăng khoảng 18 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2020 – 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế lại đi ngược lại khi lỗ tới 14 tỷ đồng trong năm 2022.
Một trong những chuỗi cầm đồ hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương là Người Bạn Vàng. Tuy vậy, trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Người Bạn Vàng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng dù doanh thu thuần vẫn tăng.
Từ chỗ “lợi nhuận cao, chuỗi cầm đồ nở rộ”, đến nay, bức tranh tài chính của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cầm đồ chỉ còn một màu xám xịt.
Theo đại diện F88, dù doanh thu tăng hơn 2 lần so với năm trước đó nhưng trích lập dự phòng các khoản vay quá hạn tăng cao khiến công ty này phải gánh khoản lỗ khổng lồ vào năm 2023.
“Kinh tế khó khăn dẫn đến tình trạng vay quá hạn cao. Công tác thu hồi nợ khó khăn do nhiều người dân giảm hoặc mất thu nhập. Để thận trọng, hãng đã trích lập dự phòng cho các khoản vay quá hạn 90 ngày”, trích báo cáo của F88. Đây cũng là “nỗi đau chung” của nhiều chuỗi cầm đồ có lợi nhuận bết bát khác.
Những nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ của các chuỗi cầm đồ ở Việt Nam còn có thêm chi phí hoạt động lớn, nhu cầu vay tiêu dùng giảm cùng với hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Sự kết hợp của các yếu tố này khiến doanh nghiệp cầm đồ trăm khó, ngàn khó.
Mới đây, chuỗi cầm đồ F88 đã có 2 đợt huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 100 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này có quy mô 50 tỷ đồng/lô với lãi suất 11,5% và kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất phát hành trái phiếu của F88 hiện chỉ xếp sau các doanh nghiệp bất động sản.
Theo HNX, F88 có tổng cộng 5 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng quy mô 550 tỷ đồng. Trong đó, 3 lô trái phiếu có quy mô 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm nay.
Trước đó, trong năm 2023, F88 cũng đã huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm phát hành trái phiếu hay huy động vốn từ quỹ đầu tư Vietnam Oman Investment và Mekong Capital, vay từ Lending Ark Asia. Việc liên tục đa dạng hóa nguồn vốn của F88 nhằm để đảm bảo hoạt động kinh doanh cũng như phát triển mạng lưới phân phối và cải tiến công nghệ.
Không chọn phát hành trái phiếu, VietMoney lại nhờ đến M&A để tự cứu lấy mình. Trong quý IV/2023, VietMoney đã sáp nhập vào hệ sinh thái của Thế Giới Số (Digiworld) khi để doanh nghiệp này nâng tỷ lệ sở hữu từ 20% lên 72,8%.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Đoàn Hồng Việt của Digiworld, việc sáp nhập VietMoney là nhằm để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand).
“Tiềm năng kinh doanh của mảng thị trường này còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này”, ông Đoàn Hồng Việt phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2024.
Một chiến lược quan trọng khác mà các chuỗi cầm đồ đang áp dụng để cải thiện lợi nhuận là đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Không chỉ dừng lại ở dịch vụ cầm đồ truyền thống, các chuỗi này còn liên tục lấn sân sang các dịch vụ tài chính khác như cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại… nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều dư địa phát triển nhưng trái lại cũng đầy thách thức, các chuỗi cầm đồ tại Việt Nam vẫn đang miệt mài đi tìm lời giải cho bài toán lợi nhuận. Một lời giải đúng sẽ giúp các chuỗi cầm đồ tái lập lại thời kỳ hoàng kim trước đây.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.