LPBank tăng 8.000 tỷ vốn điều lệ: Không bán cổ phần cho nước ngoài, không chia cổ tức 3 năm

Mai Anh - 28/03/2024 09:50 (GMT+7)

(VNF) - LPBank dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 31%) qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. LPBank cũng dự kiến trong ba năm tới sẽ không trả cổ tức nhằm tăng cường năng lực tài chính.

VNF

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024. Theo thông báo mới nhất, LPBank sẽ chuyển ngày tổ chức ĐHĐCĐ từ 27/4 sang ngày 17/4, tức sớm hơn 10 ngày so với dự kiến trước đó.

Tại ĐHĐCĐ, LPBank sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định. Hiện vốn điều lệ của LPBank là 25.576 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 33.576 tỷ đồng, thuộc nhóm các nhà băng có vốn cao nhất Việt Nam. 
 
Năm 2023, LPBank cũng tăng vốn với tỷ lệ gần 48%, từ 17.291 lên 25.576 tỷ đồng, đứng thứ 2/20 ngân hàng có thực hiện tăng vốn trong năm về tỷ lệ tăng. 

Tại ĐHĐCĐ 2023, LPBank từng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Tuy nhiên, hai cấu phần tăng vốn này sẽ được HĐQT của ngân hàng này đề xuất ngừng thực hiện do tình hình thị trường và thực tế triển khai, chuyển sang phương án mới trong tờ trình năm nay.

Ngoài ra, LPBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, nhà băng này định hướng chiến lược không chia cổ tức trong 3 năm tới nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của năm 2023, lợi nhuận còn lại các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần (4.345 tỷ đồng) sẽ được giữ lại. Năm ngoái, LPBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tương đương gần 3.300 tỷ đồng. 

Trong năm 2024, LPBank dự kiến đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng gần 35% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Tổng tài sản dự kiến tăng lên mức 427.260 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm ngoái. 

Huy động thị trường 1 được kỳ vọng ở mức 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong khi tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,9%, lên 319.140 tỷ đồng. Năm ngoái, LPBank đã vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao ở các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, thu dịch vụ, tín dụng thị trường 1 và tổng tài sản.

Cũng tại đại hội thường niên sắp tới, Hội đồng quản trị LPBank trình ĐHĐCĐ về việc đổi tên Ngân hàng thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam.

Theo LPBank, việc thay đổi tên nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của LPBank trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ban Kiểm soát LPBank cũng có tờ trình lên ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2008 với ông Nguyễn Phú Minh.

Ngày 27/3, ông Minh đã có đơn từ nhiệm với lý do bản thân không đủ thời gian đảm nhiệm vai trò Thành viên Ban Kiểm soát.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.