Masan tích hợp dịch vụ viễn thông, hướng đến phục vụ người tiêu dùng hiện đại

Hà Thu - 23/09/2021 12:23 (GMT+7)

(VNF) - Với việc hiện đại hóa ngành bán lẻ, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online giữa bán lẻ hiện đại và các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ tài chính trên khắp Việt Nam, Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một”, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

VNF
Masan hiện đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long.

Mới đây, The Sherpa (công ty con của Tập đoàn Masan) đã chính thức mua lại 70% cổ phần Mobicast, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Đây là bước đi chiến lược nằm trong lộ trình hiện thực hóa nền tảng “Point of Life” đã được Masan vạch ra từ nhiều năm trước.

80% chi tiêu của người Việt được dành cho tiêu dùng bán lẻ - dịch vụ tài chính - viễn thông & các dịch vụ nền tảng số. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, ban điều hành của Masan đã đưa ra định hướng xây dựng nền tảng “tất cả trong một” tích hợp xuyên suốt từ offline đến online phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Trong đó, nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính và dịch vụ số là 3 trụ cột của nền tảng này.

Những mảnh ghép của Point of Life dần rõ nét

Từng bước thực hiện chiến lược “Point of Life”, tháng 5/2021, tập đoàn Masan công bố hợp tác với tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia thông qua việc tiếp nhận khoản đầu tư 400 triệu USD đầu tư vào công ty con của Masan. VinCommerce (VCM) và Lazada sẽ trở thành đối tác chiến lược về bán lẻ nhu yếu phẩm trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, hai bên sẽ dành nguồn lực để cùng xây dựng cửa hàng WinMart (tên cũ là VinMart) trên sàn LazMall lớn mạnh, đạt mục tiêu đóng góp ít nhất 5% vào tổng giá trị hàng hóa bán lẻ của VinCommerce ở tất cả các kênh sau 3 năm.

Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan đã mua lại 20% vốn Phúc Long Heritage - công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá 15 triệu USD. Ngay sau đó, Masan đã triển khai thí điểm mô hình ki-ốt Phúc Long trong các siêu thị mini WinMart+ (trước đây là VinMart+). Tính đến nay, đã có gần 50 cửa hàng WinMart+ tích hợp mô hình ki-ốt Phúc Long. Trong năm nay dự kiến sẽ có hơn 1.000 kiosk Phúc Long tại các điểm bán của VCM.

Kết hợp với ki-ốt Phúc Long, Masan cũng đã tiến hàng thử nghiệm đặt các điểm giao dịch của Techcombank tại WinMart+ ở Hà Nội, giúp khách hàng giao dịch thuận tiện và linh hoạt hơn so với truyền thống. Được biết đây là mô hình giao dịch một điểm đến đa tiện ích - CVLife (Convenient Life), mục tiêu là đáp ứng các nhu cầu từ sinh hoạt hằng ngày đến nhu cầu tài chính.

Sự khả quan của mô hình kết hợp giữa tiêu dùng bán lẻ & viễn thông

Trong bối cảnh dịch Covid, người tiêu dùng Việt sử dụng nhiều hơn các nền tảng trực tuyến để làm việc và học tập tại nhà cũng như, mua sắm các nhu yếu phẩm. Đại dịch Covid-19 cũng mang đến cơ hội cho ngành viễn thông khi đa số các doanh nghiệp phải tăng tốc chuyển đổi số.

Sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp của Masan Consumer, Techcombank, VinCommerce và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, Reddi sẽ được tiếp cận độc quyền vào cơ sở dữ liệu khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số độc đáo. Tại Việt Nam, 44% người đăng ký sử dụng mạng  di động chủ yếu dùng dịch vụ thoại, SMS và các dịch vụ khác.

Mô hình cộng hưởng mà Masan đang tiến hàng có thể dễ dàng hình dung thông qua nền tảng Jio Platforms của ông Ambani - tỷ phú giàu nhất châu Á – người đã sở hữu một hệ sinh thái ứng dụng từ thương mại điện tử đến phát sóng trực tuyến. Thông qua mạng di động Reliance Jio, nền tảng này đã phục vụ hơn 388 triệu người dùng tại Ấn Độ. Tương tự như mục tiêu của Masan, mục tiêu cuối cùng của Reliance Jio là cung cấp mọi thứ cho tất cả người Ấn Độ, xây dựng một nền tảng không thể thiếu cho hàng trăm triệu người dùng internet của đất nước này. Từ đó, có thể thấy tiềm năng khả quan của sự kết hợp tiêu dùng – bán lẻ và viễn thông.

Trước Mobicast, nhiều công ty sau mua bán sáp nhập với Masan đều “ăn nên làm ra”, kinh doanh khởi sắc như: VinCommerce, Vĩnh Hảo, Vinacafe Biên Hòa, Bột giặt Net,… Nổi bật hơn cả là hệ thống bán lẻ VinCommerce. Từ khi về tay Masan, VCM đã có 3 quý liên tiếp đạt EBITDA dương, cải thiện từ 0,2% trong quý IV/2020 lên 2,0% trong quý I/2021 và 2,2% trong quý II/2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác