Mất hơn 80% tài sản, 'bà trùm' BĐS Trung Quốc Dương Huệ Nghiên nguy cơ vỡ nợ

Minh Ý - 10/08/2023 18:35 (GMT+7)

(VNF) - Dương Huệ Nghiên, nữ tỷ phú từng giàu nhất châu Á, Chủ tịch tập đoàn bất động sản khổng lồ Country Garden Holdings, đã mất nhiều tài sản hơn bất kỳ tỷ phú nào trên thế giới trong 2 năm qua khi tập đoàn xây dựng của bà đứng trên bờ vực vỡ nợ.

VNF
Bà Dương Huệ Nghiên là Chủ tịch "đế chế" bất động sản Country Garden đang khó khăn về dòng tiền.

Theo Bloomberg, khối tài sản của bà Dương Huệ Nghiên, chủ tịch của Country Garden Holdings, đã sụt giảm 84%, tương đương 28,6 tỷ USD, kể từ mức đỉnh điểm vào tháng 6/2021, xuống còn 5,5 tỷ USD tính tới ngày 10/8.

Đây là mức sụt giảm tài sản lớn nhất so với tất các tỷ phú khác nằm trong danh sách tỷ phú được theo dõi bởi Bloomberg. Bà Dương hiện được xếp thứ 475 trong danh sách tỷ phú thời gian thực của Bloomberg.

Chỉ riêng trong ngày 8/8, khi có thông tin nhà phát triển bất động sản Country Garden bỏ lỡ các khoản thanh toán trái phiếu đến hạn, cổ phiếu công ty giảm mạnh khiến bà Dương mất gần 500 triệu USD.

Nguồn tài sản chính của nữ tài phiệt 41 tuổi chủ yếu đến từ cổ phần của bà trong Country Garden, công ty có cổ phiếu giảm gần 60% trong năm nay do doanh số bán nhà sụt giảm và chi phí tái cấp vốn tăng cao ảnh hưởng đến ngành bất động sản của Trung Quốc. 

Tháng trước, bà Dương đã đồng ý chuyển hơn một nửa số cổ phần cá nhân của mình, trị giá khoảng 826 triệu USD, cho một tổ chức từ thiện do chị gái bà thành lập. 

Được biết, doanh nghiệp có trụ sở tại Phật Sơn giao dịch công khai ở Hồng Kông có doanh thu 430 tỷ NDT (60 tỷ USD) trong năm tài chính 2022.

Tháng 3 năm nay, bà Dương kế vị cha mình là ông trùm Dương Quốc Cường làm chủ tịch công ty do ông thành lập. Ông Dương Quốc Cường đồng sáng lập Country Garden vào năm 1992 và chuyển nhượng cổ phần kiểm soát cho bà Dương vào năm 2005, sau khi bà gia nhập công ty với tư cách là trợ lý riêng của ông để học hỏi kinh nghiệm.

Dương Huệ Nghiên trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc ở tuổi 25, sau khi Country Garden huy động được 1,65 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông vào tháng 4/2007.

Nhắc lại một trường hợp cũng từng chứng kiến khối tài sản sụt giảm "chóng mặt" trước bà Dương chính là tỷ phú Hứa Gia Ấn của Tập đoàn China Evergrande - "bom nợ" 300 tỷ USD từng khiến toàn ngành BDS Trung Quốc "run sợ". Ông Hứa cũng chứng kiến khối tài sản từ 42 tỷ USD (2017) xuống còn 3,2 tỷ USD sau khi tập đoàn phá sản.

Nhìn chung, tình cảnh hiện tại của bà Dương Huệ Nghiên chưa đến mức tồi tệ như ông Hứa từng phải đối mặt, nhưng "đế chế" bất động sản của bà dường như đang đi vào con đường gần giống với Evergrande.

Cụ thể, ngày 8/8, các phương tiện truyền thông đưa tin Country Garden, từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi cho 2 trái phiếu bằng USD. Kết quả là cổ phiếu công ty niêm yết tại Hong Kong giảm tới 16% do nhà đầu tư lo ngại Country sẽ đi theo "vết xe đổ" của Evergrande, giáng thêm 1 đòn vào lĩnh vực bất động sản vốn đã yếu kém của Trung Quốc.

Theo cơ quan truyền thông nhà nước Paper.cn, Country Garden đang phải chịu “áp lực thanh khoản tạm thời” do doanh số bán hàng giảm sút và môi trường tái cấp vốn khó khăn. Công ty đang “tích cực” tìm kiếm nguồn vốn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ. 

Country Garden vẫn có thời gian gia hạn 30 ngày trước khi bị coi là vỡ nợ trên giấy tờ.

Ngành bất động sản từng "bùng nổ" của Trung Quốc chiếm tới 30% GDP của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ siết chặt việc cho vay quá mức trong ngành vào năm 2020, số lượng các nhà phát triển gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các khoản nợ ngày càng lớn. 

Cuộc khủng hoảng tiền mặt sau đó đã gây ra các vụ vỡ nợ kỷ lục ở nước ngoài, xóa sổ hàng tỷ USD đầu tư và trì hoãn việc xây dựng hàng nghìn ngôi nhà. 

Trong 2 năm qua, nhiều nhà phát triển lớn đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ, dẫn với sự sụp đổ "tiêu biểu" của Evergrande, kéo theo làn sóng vỡ nợ trong toàn ngành. 

Đi kèm làn sóng vỡ nợ là sự "biến mất" của nhiều đại gia bất động sản như gia đình bà Dương hay ông Hứa Gia Ấn, những người đã kiếm được số tiền khổng lồ trước khi tiến tới tình cảnh phải bán tài sản riêng để trả nợ cho công ty.

Xem thêm >> Bất động sản lao dốc, danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đổi chủ

Theo Bloomberg, CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác