(VNF) - Từ chỗ tiền gửi khách hàng lớn hơn dư nợ tín dụng, sau 6 tháng, tình hình tại MB đã đảo ngược.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) gần đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo kỳ này là diễn biến trái chiều rõ rệt của dư nợ tín dụng và tiền gửi khách hàng (tiền gửi huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư) - nguồn huy động chính của các ngân hàng.
Theo đó, dư nợ tín dụng (bao gồm cả dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp) 6 tháng đầu năm 2020 của MB tăng tới 8%, đạt khoảng 283.500 tỷ đồng thì tiền gửi khách hàng của ngân hàng này lại giảm tới 5,6%, xuống gần 257.400 tỷ đồng.
Như vậy, từ chỗ tiền gửi khách hàng lớn hơn dư nợ tín dụng (272.700 tỷ đồng so với 262.500 tỷ đồng), sau 6 tháng, tình hình đã đảo ngược: quy mô dư nợ tín dụng của MB hiện đã lớn hơn đáng kể quy mô tiền gửi khách hàng. Đồng nghĩa nhiều khả năng, tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) của MB đã tăng không ít, cũng nghĩa là dư địa tăng LDR - một yếu tố có thể giúp hỗ trợ lợi nhuận - đã hạn hẹp hơn (do LDR bị áp trần từ Ngân hàng Nhà nước).
Chi tiết hơn, sở dĩ tiền gửi khách hàng của MB suy giảm mạnh là do các tổ chức kinh tế đã rút mạnh tiền gửi, với quy mô rút ròng lên đến trên 27.800 tỷ đồng (tương đương gần 1/5 tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại MB thời điểm cuối năm 2019).
Trước đây, MB vốn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tỷ trọng tiền gửi của tổ chức kinh tế/dân cư cuối năm 2019 là 56/44). Điều này không khó hiểu khi MB là ngân hàng của quân đội, được hậu thuẫn bởi nhiều tổ chức kinh tế trong quân đội. Dịch Covid-19 phức tạp có thể đã làm gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng tiền dự trữ của các tổ chức kinh tế để trang trải các chi phí cần thiết nhằm duy trì hoạt động và vị thế kinh doanh, khiến tiền gửi ngân hàng bị rút ròng mạnh.
Trái với sự suy giảm của tiền gửi khách hàng, dư nợ tín dụng của MB tăng khá mạnh so với mặt bằng chung. Trên thực tế, nếu chỉ tính riêng dư nợ cho vay thì mức tăng 6 tháng đầu năm chỉ 4,4%. Tuy nhiên, ngân hàng đã đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp trong kỳ, do đó dư nợ tín dụng mới đạt được mức tăng 8%.
Diễn biến trái chiều giữa dư nợ tín dụng và tiền gửi khách hàng chính là một trong những nguyên nhân giúp MB đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 5% trong nửa đầu năm 2020.
Cụ thể, trong kỳ, hoạt động tín dụng đem về cho MB hơn 15.800 tỷ đồng thu nhập lãi, chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ chi phí lãi (hay chi phí huy động) chỉ tăng 2,9% (một phần nhờ tiền gửi khách hàng suy giảm mạnh) nên chênh lệch thu nhập lãi - chi phí lãi, hay còn gọi là thu nhập lãi thuần, của MB tăng 9,3%, đạt trên 9.300 tỷ đồng.
Bên cạnh mức tăng khá ở nguồn thu tín dụng, các hoạt động phi tín dụng cũng đem về lãi thuần rất tốt. Tính toán cho thấy, tổng lãi thuần phi tín dụng của MB đạt 3.593 tỷ đồng trong kỳ, tăng trưởng gần 28%.
Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 của MB đạt trên 12.900 tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc kiểm soát chi phí hoạt động (chỉ tăng 2,6% trong kỳ, đạt gần 4.500 tỷ đồng) nên chênh lệch thu - chi hoạt động, hay còn gọi là lợi nhuận thuần, của MB đạt trên 8.400 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4%.
Vì vậy, dù tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm 40% nhằm đối phó với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay của MB vẫn tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 5.100 tỷ đồng.
Tăng mạnh dự phòng nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB vẫn duy trì ở mức rất cao, lên đến 121% dù tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,37% (từ mức 1,16% cuối năm 2019).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone