MBS: Ngành ngân hàng ít thiệt hại hơn các ngành khác trong cuộc khủng hoảng Covid-19

Minh Tâm - 21/05/2020 09:50 (GMT+7)

(VNF) - MBS cho rằng ngành ngân hàng ít chịu thiệt hại hơn các ngành khác, một phần nhờ hệ thống ngân hàng hiện nay đã khỏe mạnh hơn nhiều so với năm 2008.

VNF
MBS: Ngành ngân hàng ít thiệt hại hơn các ngành khác trong cuộc khủng hoảng Covid-19

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định những năm qua, mặc dù có đòn bẩy tương đối cao, tiềm năng tăng tài sản của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế vững chắc, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu cũng như nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã tăng từ mức 99% năm 2009 lên 135% tính đến cuối tháng 4/2020. 

Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại vào đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, tuy nhiên MBS cho rằng đà tăng có thể phục hồi vào cuối năm 2020 và 2021 nhờ nhu cầu triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo công ty chứng khoán này, tầm quan trọng và vị thế của các ngân hàng Việt Nam so với các nước khác ở châu Á vẫn còn khiêm tốn với tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP là 135%, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (169%), Trung Quốc (161%), Hàn Quốc (163%) và Thái Lan (144%). 

"Chúng tôi kỳ vọng tổng dư nợ tín dụng quốc gia trong dài hạn sẽ tăng mạnh nhờ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và định hướng thúc đẩy dư nợ tín dụng/GDP lên cao hơn nữa", chuyên gia của MBS nhấn mạnh.

Công ty chứng khoán này đánh giá ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu và giá dầu là tiêu cực đến dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn gồm: sản phẩm xuất khẩu sản xuất như hàng may mặc, giày dép, thủy sản, đồ nội thất...; dầu khí; bất động sản và xây dựng; đặc biệt là lĩnh vực hàng không.

Các khoản vay cá nhân, lĩnh vực chịu ảnh hưởng gián tiếp thông qua thất nghiệp gia tăng, chiếm 42% danh mục đầu tư của ngân hàng. Mặc dù phân khúc này rủi ro hơn phân khúc doanh nghiệp, MBS cho rằng thiệt hại sẽ được giảm nhẹ một phần nhờ xu hướng tiết kiệm tiền mặt của công dân Việt Nam.

Báo cáo của MBS cho hay sự bùng nổ đại dịch không thể tránh khỏi việc tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên, hệ thống ngân hàng hiện nay đã kiên cường hơn trong việc chống chọi với cơn hoảng loạn này so với trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Theo chuyên gia MBS, việc mở rộng tiền tệ của Việt Nam đã bảo thủ hơn nhiều so với năm 2008 với tăng trưởng tín dụng ổn định, lạm phát được kiềm chế. Tăng trưởng kinh tế đã được củng cố bởi dòng vốn FDI bền vững, sức mạnh của các tập đoàn tư nhân nội địa và sức mua mạnh mẽ từ tầng lớp trung lưu. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tích lũy một khoản lớn dự trữ quốc tế như một bộ đệm tốt để bảo vệ tỷ giá hối đoái và lạm phát trong các kịch bản tiêu cực.

Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam cũng xây dựng bảng cân đối kế toán mạnh hơn và ổn định hơn. Đầu tiên và quan trọng nhất, tỷ lệ cho vay tiền gửi (LDR) đã giảm từ hơn 100% trong
giai đoạn 2009-2012 (đạt đỉnh ở mức 116% trong năm 2011) về mức 93% đến cuối tháng 2/2020.

Thứ hai, các ngân hàng tập trung mở rộng danh mục cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và khách hàng cá nhân.

Sự vững chắc của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng được thể hiện qua các khoản đầu tư chiến lược từ các đối tác nước ngoài. Kể từ năm 2012, các ngân hàng Việt Nam đã nhận được khoảng 3,2 tỷ USD, trong đó riêng 3 ngân hàng quốc doanh đã thu hút 2,4 tỷ USD.

Tựu trung, MBS nhận định đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành ngân hàng Việt Nam ở mức độ nhất định, khiến chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý I và quý II năm 2020, đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung cho vay nhiều ở lĩnh vực du lịch, hàng không và gia công.

Tuy nhiên, MBS nhận thấy ngân hàng - nhà cung cấp vốn cho nền kinh tế - ít thiệt hại hơn các ngành khác. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã khỏe mạnh hơn nhiều so với năm 2008, có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Cùng chuyên mục
Tin khác