Mô hình kinh tế 'Singapore trên dòng sông Thames' của nước Anh

PV - 21/02/2020 08:18 (GMT+7)

Theo các học giả châu Âu, trong khi những người bảo thủ Anh khen ngợi mô hình kinh tế Singapore là kịch bản khả thi đối với “xứ sở sương mù” thời kỳ hậu Brexit, khái niệm này có cả ưu và nhược điểm.

VNF
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học đã giải thích lý do tại sao kế hoạch đề xuất của Vương quốc Anh để tạo ra “Singapore trên dòng sông Thames” lại trở thành mối lo ngại của Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với đó, việc Thủ tướng Boris Johnson giữ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại với EU càng khiến khối này lo lắng về liệu việc người Anh có thể tận dụng mô hình kinh tế với mức thuế thấp cùng sự can thiệp hạn chế của chính phủ - mô hình mà phe bảo thủ gọi là “Singapore trên dòng sông Thames” - hay không? 

Theo các chuyên gia, điều này có thể là yếu tố thách thức đối với EU trong quá trình đám phán một hiệp định thương mại với Anh bởi khối này vốn nổi tiếng với các tiêu chuẩn cao về hàng hóa, quyền của người lao động, thuế và môi trường.

Ưu và nhược điểm của kịch bản Singapore đối với Anh

Khái niệm “Singapore trên dòng sông Thames” đã được thảo luận trong giới bảo thủ Anh từ năm 2016. Trong một bài viết năm 2017 cho báo The Telegraph, Bộ trưởng Môi trường Anh Owen Paterson đã ca ngợi mô hình của Singapore với “các mức thuế thấp, chi phí thấp và sự can thiệp hạn chế của chính phủ”.

Vào ngày 30/12/2018, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là Jeremy Hunt cũng đã chọn Singapore làm ví dụ khi ông phác thảo tầm nhìn về “sự thịnh vượng sau Brexit”.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 11/2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thách thức ý tưởng này, ông nói không thể “đưa ra quyết định [kinh tế] của một xã hội và áp dụng nó cho một xã hội khác”.

Thủ tướng đã chú trọng đến thực tế rằng chi tiêu của Chính phủ Anh, lương hưu của chính phủ và chăm sóc sức khỏe quốc gia chiếm từ 40 đến 45% GDP, trong khi ở Singapore, những chi phí này chỉ chiếm 16-17% GDP.

Theo Charles Wolfson, Giáo sư danh dự về nghiên cứu xã hội tại Viện nghiên cứu di cư, dân tộc và xã hội tại Đại học Linkoping, Chính phủ đảng Bảo thủ hiện nay, được dẫn dắt bởi những người ủng hộ nhiệt tình các thị trường tự do, kịch bản như của Singapore sẽ đạt được thành công nhờ môi trường siêu thân thiện, với thuế doanh nghiệp thấp hoặc bằng không, đi kèm với các quy chuẩn về mức lương hợp lý trong khi hoạt động công đoàn và các biện pháp an sinh xã hội được giữ ở mức vừa phải.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Wofson cho rằng mối quan ngại của EU có thể không chính đáng vì Chính phủ của ông Boris Johnson dường như đang cố gắng để “hạ thấp mức sống và tiền lương, cố gắng tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Anh sau khi rời EU”. Dù vậy, ông vẫn cảnh báo: “Kịch bản Singapore là tương lai ảm đạm của những người lao động bình thường”.

Mô hình kinh tế Singapore có hiệu quả ở Anh? Ảnh: AFP/TTXVN

Mô hình Singapore sẽ hiệu quả ở Anh?

Trong khi đó Christopher Bovis, Giáo sư luật kinh doanh quốc tế tại Đại học Hull, mô tả mô hình Singapore là “một hình mẫu của thương mại tự do, trong đó thị trường lao động được điều tiết chặt chẽ”.

Ông lưu ý: “Hầu hết các đối tác quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và EU, coi Singapore là một mô hình của các nền kinh tế Đông Nam Á, với tính chất cân bằng thương mại tự do cùng sự điều tiết các yếu tố sản xuất”.

Tuy nhiên, vị Giáo sư của Đại học Hull lại cho rằng ít có khả năng mô hình của Singapore sẽ hiệu quả ở Anh. Ông Bovis nói: “Singapore là một quốc gia nhỏ, trong khi Vương quốc Anh là một quốc gia rộng lớn với số lượng lớn chính phủ tự trị, như ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland”.

Chuyên gia này cũng lập luận rằng niềm tin đối với việc Anh sẽ “hạ chuẩn” mạnh sau Brexit để thu hút đầu tư là sai lầm: “Trước hết, Vương quốc Anh sẽ duy trì các tiêu chuẩn sẵn có về môi trường, lao động, quản lý và chỉ điều chỉnh theo hướng để thu hút đầu tư và đảm bảo sự chắc chắn, an toàn trong các giao dịch quốc tế.

Thứ hai, Singapore cũng có các tiêu chuẩn và khung pháp lý rất cao, trong khi môi trường cạnh tranh của nền kinh tế này được giải thích bằng các đề xuất giá trị chứ không phải là một hệ thống phức tạp về kinh tế”.

Trong khi đó ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Antonio Moreno, Giáo sư kinh tế và tài chính tại Đại học Navarra, cho rằng có khả năng thực sự là sau Brexit, Anh sẽ tạo ra một “Singapore trên dòng sông Thames” của riêng họ.

Tuy nhiên, Giáo sư Moreno cũng cảnh báo rằng: “Cuối cùng, Vương quốc Anh đã có sự ưu tiên cao hơn đối với quy tắc quản lý thấp của chính phủ, thuế thấp hơn và quy định ít hơn so với ở lục địa châu Âu, điều đó có thể có nghĩa là cạnh tranh cao hơn. Dù vậy, nếu Vương quốc Anh đi theo con đường này, rủi ro tồn tại có thể là sự ít gắn kết xã hội và bất bình đẳng kinh tế trong nước”.

Theo các nhà quan sát, Vương quốc Anh và EU cần tìm ra công thức tốt nhất để cùng tồn tại và “ghim chắc” nó trong thỏa thuận thương mại.

Ngày 6/2, The Guardian báo cáo kế hoạch dự thảo nghị quyết của nhóm điều phối EU-Anh mới được thành lập gần đây đã đưa ra quan điểm ngược lại với những gì phe bảo thủ gọi là “Singapore trên dòng sông Thames”.

Theo tài liệu này, Vương quốc Anh có nghĩa vụ tuân thủ các tiêu chuẩn của EU về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và viện trợ nhà nước.

Giáo sư Antonio Moreno giải thích EU không thể giảm yêu cầu đối với tiêu chuẩn xã hội và môi trường ở Anh. Đối với EU, sẽ là vô nghĩa khi ký kết các thỏa thuận thương mại với Anh cùng tiêu chuẩn xã hội và môi trường thấp hơn so với thời kỳ trước Brexit. Ông nói: “Những tiêu chuẩn này cũng sẽ được nhiều công dân Anh yêu cầu”.

Trong khi đó, theo Giáo sư Christopher Bovis, mối quan hệ giữa Anh và EU có thể có hình thức của một thỏa thuận song phương và “có thể phản ánh các thông số của hai hệ thống được công nhận”.

Quy định của WTO về mô hình thương mại cho Vương quốc Anh được thiết kế bao gồm mô hình Na Uy-EFTA và thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada và Liên minh châu Âu.

Ông Bovis nói: “Dự kiến, thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết để tiếp tục tiếp cận các thị trường EU, chiếm ít nhất một nửa thị phần thương mại của Vương quốc Anh”.

Về phần mình, Giáo sư Wolfson tin Vương quốc Anh sẽ đối mặt với một vấn đề nan giải nghiêm trọng. Một mặt, Chính phủ đảng Bảo thủ hứa rằng sau khi rời EU, Anh sẽ tự do ký kết các thỏa thuận thương mại của riêng mình với các đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt là với Mỹ.

Tuy nhiên, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Do đó, ông Wolfson nhấn mạnh: “EU sẽ là thị trường duy nhất, thị trường tương lai quan trọng đối với Vương quốc Anh”.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác