Một năm nhìn lại, VJC xứng đáng vươn xa

Tuấn Hiếu - 28/02/2018 19:22 (GMT+7)

(VNF) - Tròn một năm lên sàn, cổ phiếu VJC "cất cánh" trở thành một trong những bluechip có màn thể hiện tốt nhất thị trường Việt Nam, đi cùng với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đầy ấn tượng.

VNF
Vietjet Air vừa tròn 1 năm lên sàn chứng khoán

Cách đây đúng một năm, ngày 28/2/2017, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu lên sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) với mã VJC, giá chào sàn là 90.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa của Vietjet lên đến 27.000 tỷ đồng, gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD" trên sàn chứng khoán.

Cổ phiếu VJC hiện tại đang giao dịch quanh mức giá 200.000 đồng, tương ứng mức vốn hóa lên đến hơn 83.000 tỷ đồng. Tính theo giá điều chỉnh, VJC đạt mức tăng ấn tượng, hơn 2,6 lần. Đáng chú ý, nhịp tăng đóng vai trò chính trong diễn biến này mới chỉ bắt đầu từ tháng 9, khi các công ty chứng khoán chính thức cấp hạn mức giao dịch ký quỹ sau khi VJC đạt đủ điều kiện thời gian niêm yết.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Vietjet Air trong năm vừa qua, có thể thấy mức sinh lời này dành cho cổ đông VJC cũng hoàn toàn xứng đáng. Doanh thu đạt 42.258 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.511 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 54% và 81% so với năm 2016. Hoạt động cốt lõi đạt kết quả khả quan, thể hiện qua việc tổng số lượng hành khách tăng 22% so với cùng kỳ, lên 17,1 triệu lượt khách.

Trong năm 2017, Vietjet cũng thể hiện tham vọng của mình khi triển khai thêm 17 tuyến đường bay quốc tế mới và 1 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay khai thác lên 82 đường. 17 tàu bay mới và đội bay trẻ giúp Vietjet Air nâng tầm đáng kể lực lượng tiên phong của mình với 51 tàu bay, trong đó có một tàu bay hiện đại A321 NEO – đầu tiên tại Đông Nam Á). Vietjet cũng đẩy mạnh thực hiện 17 thương vụ bán và thuê lại (SALB), đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh.

Một điểm khá nổi bật của VJC , bên cạnh những con số tăng trưởng, khá nhiều chỉ số hoạt động đặc thù đang được cải thiện đáng kể như tỷ lệ lấp đầy, thu nhập phụ trợ mỗi hành khách. Chi phí bán hàng trên doanh số cốt lõi giảm từ 1,9% xuống 1,4%, chi phí trung bình ghế km (CASK) không bao gồm chi phí xăng dầu giảm 7,3% so với 2016, xuống còn 2,25 US cent. Trong thời kỳ tăng trưởng nóng của mình, việc đi kèm với quản trị chi phí và hiệu quả hoạt động như Vietjet đã làm được coi điểm sáng rất đáng ghi nhận.

Vốn dĩ, hàng không nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng là ngành có rào cản gia nhập khá cao. Vậy mà VJC non trẻ đã có những bước tiến thần kỳ kể từ ngày thành lập. Vào giữa năm 2017, Vietjet Air chính thức vượt mặt thị phần của ông lớn Vietnam Airline đầy bất ngờ với 41,5% so với 41,3%. Đây được coi là một "case study" điển hình về sự vươn mình mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân.

Như đã đề cập, Vietjet Air trở thành tấm gương sáng của tăng trưởng, thì việc thị giá VJC có những phiên kịch trần liên tục trên sàn chứng khoán cũng hoàn toàn có lý do.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông thành công nhất với VJC

Con đường một năm vừa qua đối với Vietjet cũng không thiếu chông gai. Với chiến lược marketing đầy táo bạo của mình, "hãng hàng không bikini" này cũng phải đón nhận khá nhiều chỉ trích, mà đỉnh điểm là sự kiện đón U23 Việt Nam không mấy hợp ý dư luận.

Năm 2018, cổ đông VJC liên tục nhận được những dự báo triển vọng khá khả quan. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Thái Bình Dương ở mức 6%, cao nhất thế giới. Bối cảnh Việt Nam cũng thực sự thuận lợi khi nhu cầu di chuyển, nhu cầu du lịch và mức thu nhập bình quân đều ủng hộ sự phát triển của ngành hàng không.

"Gió Đông" đã thổi, với nội lực của mình, VJC hứa hẹn tiếp tục có một năm thuận lợi, cất cánh lên những tầng mây.

Cùng chuyên mục
Tin khác