MPI dự kiến danh sách 11 ngành nghề 'cấm cửa' nhà đầu tư nước ngoài
Lê Nguyễn -
08/09/2020 10:29 (GMT+7)
(VNF) - Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số định hướng xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Đáng chú ý trong đó là danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Khoản 4 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 đã quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có yêu cầu Chính phủ công bố "Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài" và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài là nội dung mới của Luật Đầu tư và chưa được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (trừ một số nguyên tắc về công bố điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 10 và Điều 13 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
Do vậy, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 sẽ quy định/công bố về "Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài", bao gồm: ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; các nguyên tắc áp dụng ngành, nghề và điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, 11 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm: kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;
Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh; các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên;
Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kinh doanh nghĩa trang, công viên nghĩa trang; dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận);
Dịch vụ nổ mìn; dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm: sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình; sản xuất, phân phối, và chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm điện ảnh;
Phát thanh và truyền hình; bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán, tiền tệ và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ viễn thông; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm;
Trắc địa và bản đồ; dịch vụ giáo dục; thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí; thủy điện và năng lượng hạt nhân;
Dịch vụ liên quan đến sở hữu công nghiệp; dịch vụ bảo vệ; sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; vận hành và quản lý cảng sông, cảng biển và sân bay; kinh doanh bất động sản.
Sản xuất giấy; sản xuất phương tiện vận tải trên 29 chỗ; phát triển và vận hành chợ truyền thống; sàn giao dịch hàng hóa; dịch vụ thu gom hàng lẻ ở nội địa; dịch vụ kiểm toán, kế toán, sổ sách kế toán và thuế;
Dịch vụ thẩm định giá, Dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; dịch vụ liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất, chế tạo máy bay; sản xuất, chế tạo đầu máy và toa xe đường sắt;
Sản xuất thuốc lá; các ngành, lĩnh vực kinh doanh mới chưa tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật này có hiệu lực;
Ở nội dung cuối cùng, Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về 2 phương án.
Phương án 1 là các ngành, lĩnh vực khác mà Việt Nam chưa cam kết đối xử quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài theo "Biểu cam kết của Việt Nam theo Hiệp định GATS-WTO" và pháp luật trong nước có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng riêng với nhà đầu tư nước ngoài.
Vụ Pháp chế cho rằng đây là phương án cao. Theo đó, ngoài các ngành đã được liệt kê cụ thể ở trên, chỉ áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường với các ngành mà Việt Nam chưa cam kết trong WTO nếu đồng thời có quy định của pháp luật trong nước hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành đó.
Đối với ngành Việt Nam chưa cam kết theo WTO mà không được liệt kê cụ thể ở các mục trên và pháp luật trong nước không quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước.
Phương án 2 là các ngành, lĩnh vực khác mà Việt Nam chưa cam kết đối xử quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài theo "Biểu cam kết của Việt Nam theo Hiệp định GATS-WTO, trừ các ngành...
Vụ Pháp chế cho rằng đây là phương án thấp. Theo đó, đối với những ngành mà Việt Nam chưa cam kết trong WTO, đồng thời chưa được liệt kê cụ thể ở các mục trên thì đều là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trừ những ngành được lựa chọn để cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận như nhà đầu tư trong nước như: dịch vụ cắt tóc và các dịch vụ làm đẹp khác (CPC 9702), dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác (CPC 83109), dịch vụ lau dọn tòa nhà (CPC8740)...
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone