Mùa hè vừa bắt đầu, cung ứng điện đã ở ‘tình trạng khẩn cấp’
Kỳ Thư -
10/05/2023 10:35 (GMT+7)
(VNF) - Hiện nay, mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa hè nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống đã rất căng thẳng.
Diễn biến thuỷ văn không thuận lợi
Nói về vấn đề cung ứng điện cho mùa hè năm nay, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết tình hình cấp than trong quý I/2023 cơ bản đáp ứng được khối lượng hợp đồng, tuy nhiên còn thiếu so với yêu cầu thực tế của hệ thống sản xuất điện. Việc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cấp than đã góp phần quan trọng để EVN sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh.
Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỷ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống), thấp hơn so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành.
Cũng theo lãnh đạo EVN, hiện nay mặc dù mới bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mùa hè nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống đã rất căng thẳng. Diễn biến thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện thấp hơn so với kế hoạch. Để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn vận hành giá cao (dầu DO, FO), nhiều nhà máy thủy điện đã được khai thác đến mức nước rất thấp, thậm chí có hồ đã về gần với mức nước chết.
Theo kế hoạch cập nhật, trong các tháng 5, 6, 7, sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong 3 tháng này sẽ là 14,77 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 7,17 triệu tấn than. Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có 6,59 triệu tấn.
EVN đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới. Một trong số đó, EVN đề nghị TKV, Tổng công ty Đông Bắc giảm than cấp cho các hộ phụ tải khác, để tăng lượng than cấp cho sản xuất điện trong quý 2. Các hộ phụ tải khác sẽ được cấp than bù trong các tháng cuối năm.
EVN cũng đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc thấu hiểu, chia sẻ về những khó khăn trong tình hình tài chính, để xem xét điều chỉnh giá nhiên nhiệu than.
Bắc Bộ và Trung Bộ đã trải qua đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2023 nhưng đã ghi nhận nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Trong khi đó, nắng nóng tại Nam Bộ cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tình hình thời tiết nắng nóng trên diện rộng, EVN đã khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Cũng theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023, nắng nóng đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước. Nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP. HCM, ngày 5/5, lượng điện năng tiêu thụ toàn thành phố tiếp tục lập "kỷ lục" mới với trên 94,43 triệu kWh. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng điện tiêu thụ tại TP. HCM đã 3 lần lập "kỷ lục" trong năm 2023. Trong đó, lần thứ nhất (ngày 21/4) là 93,53 triệu kWh; lần thứ 2 (ngày 25/4) 93,56 triệu kWh.
Còn tại Hà Nội, lượng tiêu thụ điện cũng bắt đầu tăng lên rõ rệt do ảnh hưởng của thời tiết. Nếu như trong tháng 4, mức tiêu thụ điện ngày cao nhất là khoảng 72 triệu kWh, thì số lượng ghi nhận vào ngày 5/5 là 78,23 triệu kWh.
Nắng nóng kéo dài sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện cho mùa hè
Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương trước đó, EVN đã dùng từ "tình trạng khẩn cấp" để nói về những khó khăn trong vận hành hệ thống, đảm bảo cung ứng điện giai đoạn tới.
Văn bản này cũng nhấn mạnh thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỉ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng.
Trong các giải pháp được đưa ra, EVN cho biết sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.
Ngoài ra, sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành.
Trong khi đó, khoảng 5.000 MW điện gió, mặt trời trong diện dự án chuyển tiếp (85 dự án) vẫn chưa thể đàm phán được giá để huy động được nguồn này.
EVN cũng cho biết đã nhận 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp, song các khó khăn trong việc đàm phán giá điện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Điều đáng nói là trong số 27 hồ sơ đề nghị này, chỉ có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện đã được phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.
Các doanh nghiệp lo ngại khi huy động tạm thời và chỉ tính mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện mà không hồi tố và trừ vào thời gian áp dụng hợp đồng mua bán điện, căn cứ này có thể trở thành giá điện thanh toán chính thức.
Do đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm có cuộc họp với các tập đoàn năng lượng để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN; đảm bảo cung cấp khí, cấp than ổn định, ưu tiên cho phát điện, sớm vận hành các nhà máy đang gặp sự cố như Vũng Áng 1, nhiệt điện Cẩm Phả, nâng cao độ tin cậy các tổ máy.
Đồng thời tháo gỡ một loạt khó khăn liên quan đến nhập khẩu điện tại Lào, vướng mắc trong xác định giá điện với dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp...
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.