Tài chính

MWG dự kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 10%

(VNF) - MWG đặt mục tiêu năm 2020, doanh thu thuần tăng trưởng 7,7%, lợi nhuận giảm 10% so với năm ngoái với giả định không có làn sóng quay lại của dịch bệnh trong những tháng tiếp theo. Trước đó, khi chưa tính đến tác động của dịch Covid-19, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 20%, lợi nhuận sau thuế tăng 35%.

MWG dự kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 10%

MWG dự kiến lợi nhuận năm 2020 giảm 10%

HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) dự kiến trình đại hội đồng cổ đông sắp tới kế hoạch kinh doanh năm 2020, theo đó, doanh thu thuần năm nay dự kiến ở mức 110.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm ngoái.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 3.450 tỷ đồng, giảm 10% so với mức 3.836 tỷ đồng của năm 2019.

Trước đó, khi chưa tính đến tác động của dịch Covid-19, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 20%, lợi nhuận sau thuế tăng 35% trong năm nay.

Ban lãnh đạo MWG đánh giá năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bị tổn thất nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 và được dự báo sẽ trải qua sự sụt giảm mạnh hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều chịu ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sự sụt giảm trong tổng cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do các biện pháp quyết liệt của Chính Phủ để kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng", phía MWG nhận định.

Ban lãnh đạo MWG cho biết mặc dù nằm trong nhóm các ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh, công ty vẫn đặt mục tiêu phấn đấu cho năm 2020 là tiếp tục tăng trưởng doanh thu nhờ sự tích cực chuyển đổi các cửa hàng từ chuỗi Thế Giới Di Động sang Điện Máy Xanh và sự mở rộng mạnh mẽ của chuỗi Bách Hóa Xanh, đồng thời, bảo vệ 90% mức lợi nhuận ròng so với năm 2019.

"Mục tiêu được Công ty đặt ra dựa trên bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được Chính Phủ kiểm soát tốt từ cuối tháng 4 và giả định không có làn sóng quay lại của dịch bệnh trong những tháng tiếp theo dẫn đến việc gián đoạn hoạt động kinh doanh", ban lãnh đạo MWG cho hay.

Phía MWG nhấn mạnh kế hoạch này là thách thức đòi nỏi nỗ lực chiến đấu rất lớn từ toàn thể đội ngũ nhân viên của công ty đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm của hoạt động bán lẻ điện thoại - điện máy và hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm do các sự kiện thể thao quan trọng đã phải dời sang năm 2021.

Trong khi đó, hoạt động bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu – trụ cột tăng trưởng bền vững của MWG trong tương lai – vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và chưa mang lại lợi nhuận.

MWG cho biết sẽ chủ động kiểm soát chi phí, tối ưu hàng tồn kho, đảm bảo dòng tiền lành mạnh, sẵn sàng nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn sau khi dịch bệnh kết thúc.

Về kế hoạch của từng bộ phận kinh doanh, đối với hoạt động kinh doanh điện thoại, điện máy, các kế hoạch chuyển đổi, nâng cấp layout trưng bày và mở mới cửa hàng được tạm hoãn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát sẽ bắt đầu triển khai trở lại ngay sau khi Chính Phủ công bố dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam.

"Dịch bệnh làm tổng cầu tiêu thụ sụt giảm khi thu nhập của đa số người dân bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng đây cũng sẽ là cơ hội cho MWG tiếp tục gia tăng thị phần do những nhà bán lẻ không có đủ tiềm lực tài chính sẽ sớm phải rời bỏ thị trường", ban lãnh đạo MWG lạc quan.

Đối với mảng kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng, những mục tiêu quan trọng nhất của Bách Hóa Xanh năm 2020 là nhanh chóng gia tăng số lượng và độ phủ cửa hàng ở các tỉnh Nam và Nam Trung Bộ để lấy thị phần; trở thành điểm đến thân thuộc (“top-of-mind”) của người nội trợ.

Song song với việc mở cửa hàng mới, MWG cũng sẽ đầu tư xây dựng thêm các kho/trung tâm phân phối tại các tỉnh với quy mô nhỏ để phục vụ hoạt động logistics hiệu quả cho cụm 50-100 cửa hàng.

Cùng với đó, nỗ lực cải thiện biên lợi nhuận gộp thông qua việc tích cực làm việc với các nhà cung cấp hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) để có giá mua rẻ hơn, chính sách khuyến mãi cho khách hàng tốt hơn và triển khai các chương trình marketing hiệu quả; tăng mua hàng nhập khẩu trực tiếp từ ngước ngoài và triển khai thử nghiệm hàng OEM đối với một số sản phẩm FMCGs. Ngoài ra, rà soát quy trình cung ứng, đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm, đẩy mạnh mua hàng tươi sống tại địa phương.

Tin mới lên