Năm 2020, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 379.100 tỷ đồng

Lê Nguyễn - 21/10/2019 10:11 (GMT+7)

(VNF) – Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 379.100 tỷ đồng.

VNF
Ảnh minh họa

Năm 2020, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương là 459,4 tỷ đồng, gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 217,8 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 217,8 tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.

Chính phủ dự kiến cơ cấu nguồn huy động gồm: phát hành trái phiếu chính phủ trong nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng (tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 6-8 năm); giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 107,4 nghìn tỷ đồng; huy động từ nguồn NQNN và các nguồn khác khoảng 95,4 tỷ đồng

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng 379,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 348 nghìn tỷ đồng (trả nợ trong nước là 287 nghìn tỷ đồng và nước ngoài là 61 nghìn tỷ đồng); nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại là 30,1 nghìn tỷ đồng (trả gốc 19,1 tỷ đồng, trả lãi 11 tỷ đồng).

Với kế hoạch vay – trả nợ như trên, dự kiến dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2020 ở mức khoảng 48,5% GDP.

Về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ, mức bảo lãnh phát hành tối đa với Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 27.062 tỷ đồng và với Ngân hàng Chính sách Xã hội là 4.375 tỷ đồng, bằng mức trả nợ gốc đến hạn trong năm theo nguyên tắc đã đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.

Chính phủ dự kiến không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài, rút vốn được Chính phủ bảo lãnh của các dự án đang triển khai thực hiện tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn.

Đối với kế hoạch vay - trả nợ của chính quyền địa phương, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm 2020 là 17 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc của chính quyền địa phương là 12,5 nghìn tỷ đồng. Dư nợ chính quyền địa phương (bao gồm cả nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ) đến cuối năm 2020 khoảng 69,4 nghìn tỷ đồng.

Đối với hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả, Chính phủ dự báo năm 2020, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn tăng khoảng 12 - 15% so với năm 2019.

Về vay nước ngoài trung, dài hạn, với việc nhiều dự án đầu tư FDI bắt đầu đi vào sản xuất và có khả năng có nguồn thu trả nợ đều đặn, Chính phủ dự báo mức rút vốn ròng năm 2020 của các doanh nghiệp có thể ở mức 5,5-6,0 tỷ USD/năm.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 như sau: nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.
Cùng chuyên mục
Tin khác