Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Năm 2019 là một năm khó quên của ngành thủy sản với những khó khăn bao trùm. Khi đó, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), doanh nghiệp được mệnh danh là "nữ hoàng" ngành cá tra Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi lùi lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng, giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 1.180 tỷ đồng.
Trong đó, tính riêng ba tháng cuối năm, mức lãi giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, vỏn vẹn gần 200 tỷ đồng. Đây là con số khá đặc biệt, bởi lẽ trên thực tế, quý IV luôn là quý cao điểm, tăng tốc của ngành xuất khẩu thủy sản, do sức mua của các nhà nhập khẩu tăng mạnh, nhằm dự trữ cho các kỳ lễ lớn.
Không chỉ tụt giảm về lợi nhuận, giai đoạn này, do giá cá tra rơi xuống mức thấp, doanh thu của Vĩnh Hoàn cũng giảm 15% về mức 7.867 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, cá tra nguyên liệu chỉ dao động quanh vùng 18.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm trước, cá tra nguyên liệu có thời điểm được giao dịch gấp đôi ở mức giá 36.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu sụt giảm mạnh, đặc biệt ở Mỹ - thị trường chiếm tỷ trọng 54% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn. Khi đó doanh nghiệp này cho biết, sự suy giảm của thị trường Mỹ là do nhu cầu tích trữ tồn kho cao cuối năm 2018 và tâm lý chờ đợi kết quả kỳ soát xét thuế chống bán phá giá POR14 với cá tra, basa Việt Nam.
Doanh nghiệp đã kỳ vọng giá cá tra có thể phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2019, song thực tế không được như mong đợi.
Bước sang năm 2020, nếu như POR14 là một cơn mưa dông, thì Covid-19 là một cơn bão thực sự với Vĩnh Hoàn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 và lũy kế năm 2020 vừa công bố, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn tiếp tục lao dốc, giảm hơn 40% so với năm trước, về mức 705 tỷ đồng.
Doanh thu cũng giảm 10,5% xuống còn 7.037 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh kịch bản cao, Vĩnh Hoàn mới hoàn thành 66% mục tiêu lợi nhuận năm.
Bức tranh tài chính ảm đạm của Vĩnh Hoàn phần nào được dự báo từ sau khi khi đại dịch xuất hiện, bùng phát trên thế giới và Việt Nam, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn trong cả năm.
Sự sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ khiến giá sản phẩm thủy sản rơi xuống các mức thấp mới. Trong tháng 10/2020, giá tôm nguyên liệu nội địa chạm mức đáy 82.500 đồng/kg, tương đương giảm 12% so với cùng kỳ và 14% so với đầu năm, trong khi giá cá nguyên liệu trong nước giảm xuống còn 17.750 đồng/kg, lần lượt giảm 14% so với cùng kỳ và 10% so với đầu năm.
Càng đặc biệt hơn, khi sự sụt giảm này xảy ra ngay cả trên mức nền thấp của năm 2019.
Trước tác động tiêu cực toàn ngành, cá tra xuất khẩu cũng không phải ngoại lệ. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm rất mạnh, đặc biệt là ở ba thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và châu Âu - những "điểm nóng" của dịch Covid-19, liên tiếp có các đợt giãn cách xã hội diện rộng.
Lượng cầu tụt giảm, kéo theo là giá cả cũng lao đao. Theo ước tính của giới quan sát, riêng thị trường Mỹ, nếu như giá cá tra xuất khẩu hồi tháng 1/2019 là gần 5 USD/kg, thì đến tháng 9/2020 chỉ còn vỏn vẹn 2,6 USD/kg, tương đương mức giảm 46%.
Mặt khác, trong khi hiệp định EVFTA tác động tích cực đối với xuất khẩu tôm từ tháng 8/2020 (thời điểm có hiệu lực), thì đối với xuất khẩu cá tra, hiệp định lại tỏ ra khá mờ nhạt, chưa thể tạo ra yếu tố bứt phá giúp cá tra "vượt cạn" trong năm qua.
Bởi lẽ, mức giảm thuế đối với sản phẩm thủy sản này là không đáng kể, không thể vá lấp được sự thiếu hụt của nhu cầu tiêu thụ tại thị trường châu Âu, do đó tốc độ phục hồi của xuất khẩu cá tra sang châu Âu vẫn rất chậm chạp, kể cả trong những tháng cuối năm.
Bước sang năm 2021, ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra vẫn nhận được khá nhiều kỳ vọng của giới quan sát. Tuy nhiên tốc độ hồi phục đến đâu thì còn phụ thuộc vào tiến triển "dập dịch" của các quốc gia.
Theo các nhà quan sát, sự phục hồi trong cả sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu toàn ngành xuât khẩu thủy sản trong năm, đặc biệt là nửa cuối năm 2021 khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và châu Âu, qua đó thúc đẩy tiêu thụ ở kênh nhà hàng.
Nhóm phân tích PHS nhận định, đối với thị trường truyền thống của Vĩnh Hoàn là Mỹ, nhu cầu tiêu thụ của người dân tại đây sẽ phục hồi rõ rệt, do xu hướng quan tâm đến sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19 được nâng cao.
Cụ thể hơn, SSI ước tính, giá bán bình quân và sản lượng của Vĩnh Hoàn sẽ tăng lần lượt 10% và 15% trong năm 2021. Cuối năm doanh nghiệp có thể lãi hơn 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tuy mức giảm thuế của hiệp định EVFTA đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam khá thấp, song đó vẫn là yếu tố giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của cá tra nước ta trước một số đối thủ ngoại, như Indonesia. Về dài hạn, với giá bán rẻ hơn, thị phần cá tra Việt Nam tại châu Âu sẽ ngày càng rộng mở.
Tương tự hiệp định EVFTA, hiệp định UKFTA cũng đem lại kỳ vọng lớn trong năm 2021. Anh Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương trong "năm Covid-19", việc UKFTA đi vào cuộc sống từ ngày 31/12/2020 sẽ mang lại cơ hội mới cho xuất khẩu cá tra sang Anh.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 11/2020, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Anh tương đối ổn định, dao động từ 2,98 USD/kg đến 3,98 USD/kg.
"Nếu giá trị xuất khẩu lạc quan này tiếp tục duy trì ổn định trong các quý tới, thì mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Anh có khả năng tăng trưởng 10% trong năm", đại diện VASEP cho biết.
Với hiệp định mới, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại Anh, so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Hà Lan, Thái Lan...
Kỳ vọng ở mảng xuất khẩu cá tra là vậy, Vĩnh Hoàn cũng đang tích cực mở rộng thị trường thông qua M&A một số doanh nghiệp. Mới đây, Vĩnh Hoàn đã hoàn tất mua vào gần 50% vốn nhà nước tại Xuất nhập Sa Giang (SGC), một trong những đơn vị sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu tại Việt Nam với thị phần ở mức 80%.
Phía Vĩnh Hoàn cho biết, động thái thâu tóm này cũng giúp hỗ trợ các sản phẩm phi lê cá tra của doanh nghiệp thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của Sa Giang.
Cuối tháng 12/2020, Vĩnh Hoàn cũng đẩy mạnh các dòng sản phẩm wellness - điểm sáng của doanh nghiệp trong năm, bằng việc mở thành lập Công ty VINH Technology tại Singapore. Trước đó, doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động từ tháng 10 nhằm nâng lượng collagen và gelatin lên 3.500 tấn/năm.
Được biết, wellness là các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.
CEO Vĩnh Hoàn, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm từng chia sẻ: "Sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, kỳ vòng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn", bà tâm nói.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.