‘Nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu’

Kỳ Thư - 09/01/2023 16:38 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu bởi quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp.

VNF
Bộ Công Thương đề xuất giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu song có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng quỹ (trích lập và chi).

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này có đề cấp đến vấn đề quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thay thế quỹ xăng dầu bằng công cụ khác hữu dụng hơn

Theo lý giải của Bộ Công Thương, do quỹ bình ổn giá mặt hàng này là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu bởi quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp.

“Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vậy mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý”, ông Phú nói.

Nhấn mạnh quan điểm cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát, ông Phú kiến nghị: “Bỏ cái “phao” chưa chuẩn đi để thay bằng cái “phao” khác. Tôi thấy rằng, ở các nước khác người ta xây dựng cái “phao” đó bằng hiện vật, tức là bằng dự trữ xăng dầu và việc này đã phát huy hiệu quả tốt”.

Xây dựng chiến lược dự trữ xăng dầu

Về vấn đề nhà nước sẽ bình ổn giá xăng dầu như thế nào khi bỏ quỹ bình ổn, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia.

Việc can thiệp bằng thuế, phí được áp dụng linh hoạt và có hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.

Ông Ánh cho biết thêm, hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó, có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu, nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan việc kinh doanh.

“Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng…Vì thế cần xây dựng một chiến lược bài bản”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá. Nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3-6 tháng. Trong khi đó nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp.

“Việc xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu phải được đầu tư và làm nhanh nhất có thể. Theo tôi, Nhà nước phải bỏ tiền ra xây các kho lưu trữ để có thể phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3 - 6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới”, ông Phú nói.

Bên cạnh đó, ông Phú còn cho rằng, xăng dầu phải được coi là một mặt hàng thiết yếu, do đó cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để góp phần ổn định giá cả. Khi giá xăng dầu bình ổn lâu dài ở ngưỡng 20.000 - 22.000 đồng/lít, các doanh nghiệp có thể trụ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đời sống tiêu dùng của dân bớt khó khăn. 

Ngoài ra, theo ông Phú, chu kỳ điều hành giá nên rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Mặt khác cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu, giảm bớt trung gian, các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu, không còn phù hợp; sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng dầu, có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ.

“Làm được những vấn đề trên chắc chắn sẽ từng bước giải được bài toán ổn định giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam”, ông Phú nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác