'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hàng không là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Do dừng bay nên chi phí phải trả đang hàng ngày hàng giờ đè nặng các hãng hàng không. Hàng nghìn tỷ đồng đã phải chi ra để trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, bến bãi, duy trì bộ máy, trả lương nhân viên trong khi không có nguồn thu hoặc nguồn thu hạn chế.
Để "cứu" ngành hàng không, vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch đề xuất mở lại đường bay quốc tế với 4 giai đoạn. Nếu được phê duyệt, kế hoạch sẽ triển khai ngay trong quý IV/2021.
Theo kế hoạch đưa ra, giai đoạn 1 sẽ thực hiện ngay trong quý IV/2021. Ở giai đoạn này sẽ khôi phục các chuyến bay trọn gói đối với công dân Việt Nam và các chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế.
Thị trường triển khai các chuyến bay trên gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.
Trong giai đoạn này, với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, hành khách là người nước ngoài phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và phải đăng ký chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Thị trường triển khai các chuyến bay này không hạn chế. Tần suất khai thác tới địa phương thí điểm đón du khách quốc tế: từ tháng thứ nhất trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến); tháng thứ hai trở đi trung bình 2 chuyến bay/ngày trở lên.
Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Giai đoạn 2, thực hiện từ tháng 1/2022. Theo đó, sẽ thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam.
Thị trường khai thác là các đường bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tần suất ban đầu là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Yêu cầu đối với hành khách là phải làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại Việt Nam; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19.
Giai đoạn 3, triển khai từ tháng 4/2022. Trong giai đoạn này, tùy theo tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng trong nước thì sẽ tiến hành triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly khi áp dụng hộ chiếu vắc xin.
Yêu cầu đối với hành khách (bao gồm công dân Việt Nam và nước ngoài) phải có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19. Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo điện tử theo ứng dụng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày.
Giai đoạn 4 từ tháng 7/2022 sẽ khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ. Yêu cầu trong giai đoạn này là sẽ tiếp tục căn cứ theo tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng để triển khai. Đồng thời, công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm đó.
Trao đổi với VietnamFinance, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, cho rằng mọi lộ trình khôi phục lại sản xuất kinh doanh, cũng như khôi phục lại hoạt động kinh doanh vận tải đều phải phụ thuộc vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Nhà nước.
“Tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/10 đã ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với quy định này thì chúng ta phải vận dụng một cách linh hoạt, xác định sống chung với dịch chứ không thể loại bỏ hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng được. Chính vì vậy, với chủ trương được đề ra và lộ trình được thực hiện theo từng bước chứ không phải thực hiện ngay lập tức nên kế hoạch này về cơ bản là hợp lý”, PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, muốn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thì đầu tiên cần phải kiểm soát dịch bệnh trong nước thật tốt, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì "công cốc".
“Khi đã mở cửa theo lộ trình thì cần phải có các chính sách thông thoáng, đừng quá máy móc (ví dụ, khách đến Việt Nam yêu cầu họ phải cách ly 15 ngày thì sẽ vô nghĩa). Đây là một bài toán hết sức là phức tạp, đòi hỏi nhiều lời giải khác nhau, chứ không chỉ là đơn thuần mở và đón khách. Nhìn chung kế hoạch mở cửa hàng không với 4 giai đoạn như vậy là hợp lý, tuy nhiên trong từng giai đoạn cần phải cụ thể hoá hơn nữa”, ông nói.
Ở giai đoạn 1, tần suất khai thác tới địa phương thí điểm đón du khách quốc tế từ tháng đầu tiên trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến) và cách ly tập trung có thu phí, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng nếu làm như vậy thì khách quốc tế sẽ không còn mặn mà nữa.
“Người ta đến du lịch chỉ trong thời gian ít ngày, việc phải cách ly tập trung như vậy sẽ khiến nhiều chi phí tăng lên, như vậy rõ ràng rằng quy định này quá cứng nhắc, cần phải xem xét lại”, chuyên gia cho hay.
Trong giai đoạn 1, khách quốc tế tới Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung và bỏ chi phí
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Việc mở cửa mang tính chất thí điểm lần này là thực sự cần thiết, nó sẽ giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn để tiến tới việc mở cửa với khách du lịch trên thế giới”.
Theo vị chuyên gia này, việc cách ly là cần thiết, phù hợp với thực tế và cần phải làm. “Nếu chấp nhận thì mời du khách đến và tuân thủ theo các quy định của Việt Nam, còn nếu thấy không thể chấp hành thì có thể lựa chọn”, ông Thịnh nói.
“Nấc thang thực hiện việc thí điểm đón khách quốc tế theo từng giai đoạn (3 tháng đánh giá một lần để triển khai giai đoạn tiếp theo) là phù hợp để chúng ta mở cửa dần dần cho các chủ thể của các đối tượng cũng như các vùng miền trong việc tiến tới mở cửa hoàn toàn với thế giới”, chuyên gia này chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng có một vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc có khá nhiều địa phương “xin” được đón khách quốc tế một cách ồ ạt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại là rất lớn, đặc biệt là ở những địa phương, tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Ông Thịnh dự báo ngành hàng không sẽ quay trở lại hoạt động bình thường trong nửa cuối năm 2022.
Xem thêm: Sun Group dồn lực 'phủ áo mới' các dự án để kéo khách du lịch trở lại
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.