'Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam không thể thoát được kiếp gia công'
Lê Nguyễn -
03/11/2020 19:24 (GMT+7)
(VNF) - "Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD FDI trong thời gian tới, nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công, dựa vào lao động rẻ và đất nước này sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, nhiệm kỳ này có 5 điểm sáng nổi bật. Thứ nhất là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo được dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này, góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.
Hai là, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế. Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá 50%-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và hiện nay đang tiếp tục cắt giảm đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh.
Ba là chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc
Bốn là Việt Nam đã lên đường cao tốc hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao: CPTPP và EVFTA, góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất
Năm là, trong đại dịch Covid, tính ưu việt của thể chế chính trị ở Việt Nam và năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam lại một lần nữa toả sáng. Đó là sự cố kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
"5 điểm sáng nói trên như 5 cánh sao của ngôi sao kinh tế Việt Nam đang tỏa sáng trên bầu trời của nền kinh tế thế giới đang có nhiều mây đen bao phủ. Và Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn", ông Lộc bình luận.
Bên cạnh những điểm sáng, ông Lộc cũng chỉ ra những khiếm khuyết như mạng lưới an sinh xã hội còn nhiều lỗ hổng hay chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, ông Lộc cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất là đầy thách thức nếu như nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.
Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa.
"Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong 5 năm tới, theo tôi, là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực", ông Lộc nói.
Theo ông, có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn, nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa, tiền tệ và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ.
"Đây là điều rất cần cẩn trọng và tôi đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên", ông Lộc nói thêm.
Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao trong khi vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, ông Lộc cho rằng "giải pháp của mọi giải pháp vẫn là tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư".
Ông đề nghị Chính phủ phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3,4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN.
Bên cạnh đó, chương trình rà xét, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh đã được chính phủ khởi động cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Ngoài ra, ông Lộc đề nghị Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm tới mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025.
Song song là cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta, không để khu vực này bị bỏ lại phía sau.
Đối với làn sóng đầu tư FDI mới, ông Lộc nêu quan điểm: Chính phủ phải nhận diện thật đúng bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Vì vậy ông đề nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng dự luật về công nghiệp hỗ trợ trình Quốc hội ban hành để thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này.
"Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD FDI trong thời gian tới, nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công, dựa vào lao động rẻ và đất nước này sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Lộc bày tỏ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone