Ngân hàng tăng cường kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền ảo

Minh Dũng - 01/06/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng thương mại đã có biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo và khuyến cáo khách hàng không thực hiện các giao dịch tiền ảo.

Kiểm soát chặt giao dịch

Một số ngân hàng gần đây đã gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền ảo. Điều này nhằm thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.

NHNN đã có yêu cầu các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng. Đặc biệt các giao dịch thẻ liên quan hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối, tiền ảo, tiền điện tử.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội phát đi thông báo sẽ thực hiện biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, nhằm tuân thủ chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 và các công văn hướng dẫn có liên quan.

Theo đó, MB không cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi ngoại tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế. MB đã thực hiện việc tuân thủ các biện pháp trên tới tất cả đơn vị trong toàn hệ thống.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ban hành Chỉ thị 4255/CT-PVB về việc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo và đánh bạc trực tuyến tại PVcomBank.

PVcomBank không thực hiện các giao dịch liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố; không cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế cho các khách hàng liên quan tới hoạt động kinh doanh tiền ảo, đánh bạc trực tuyến và các hành vi đánh bạc bất hợp pháp khác. Yêu cầu này được quán triệt tới tất cả đơn vị PVcomBank để rà soát, ngăn chặn đối với các giao dịch tiền ảo.

Ngân hàng Public Bank Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng không thực hiện giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. Ngân hàng này cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên không tham gia hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư và kinh doanh Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác; cũng như không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của ngân hàng để phục vụ cho các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Còn Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết tất cả giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không được chấp nhận qua hệ thống của VIB như nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp mua, bán tiền ảo Bitcoin, Ethereum... với các đối tượng, sàn kinh doanh tiền ảo như Remitano, Binomo. Các giao dịch có liên quan đến tiền ảo nếu được phát hiện sẽ bị từ chối thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện một số ngân hàng cho biết những giao dịch liên quan đến tiền ảo, Bitcoin… có thể được phát hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận chống rửa tiền, quản lý rủi ro của từng ngân hàng.

Sớm có khung pháp lý với tiền ảo, tiền kỹ thuật số

Dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng các giao dịch tài sản số vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.

Báo cáo mới đây từ Công ty Boston Consulting Group cho hay, tổng giá trị tài sản số đến năm 2030 dự kiến lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Còn theo số liệu thống kê của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số (sau Ấn Độ và Mỹ), với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.

Thị trường giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam khá sôi động nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Tại Diễn đàn tài sản số mới đây, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ số SSI (SSI Digital) Nguyễn Duy Hưng đánh giá, tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều rủi ro.

Ông Hưng đề xuất xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị khẩn trương nghiên cứu khung pháp lý đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

Ông Hạ cho biết tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Tuy nhiên, qua 6 năm, Việt Nam vẫn khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán vẫn không được pháp luật thừa nhận.

“Nhưng trên thực tế, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến điện tử mới như như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng...”, ông Hạ nêu.

Ông Hạ cho rằng việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành. Trong khi đó, đang thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, dễ gây những hậu quả khó lường. Do đó, ông Hạ đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu về vấn đề này.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội blockchain Việt Nam cũng cho rằng cần thiết ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.

“Chúng ta nhìn thấy các kênh huy động vốn từ chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu,.. đều đang khó khăn trong khi dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI”, ông Trung cho biết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.

Hiện Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money); trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Theo NHNN, việc bổ sung quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là cần thiết, nhằm giúp đảm bảo thống nhất, loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

NHNN cho biết Việt Nam có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, theo báo cáo của FiinGroup, có khoảng 36 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo

Công nghệ
(VNF) - Theo Triple-A, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền ảo (tiền số, tiền điện tử) cao nhất thế giới.
Người Việt kiếm 1,2 tỷ USD từ tiền ảo, đứng top 3 toàn cầu

Người Việt kiếm 1,2 tỷ USD từ tiền ảo, đứng top 3 toàn cầu

Công nghệ
(VNF) - Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu chuỗi khối Chainalysis, Việt Nam xếp thứ 3 trên toàn cầu về lợi nhuận từ tiền điện tử trong năm 2023, xếp sau Mỹ và Anh.
Bitcoin hâm nóng cơn sốt tiền ảo, Bộ Tài chính nghiên cứu cách quản lý

Bitcoin hâm nóng cơn sốt tiền ảo, Bộ Tài chính nghiên cứu cách quản lý

Tiêu điểm
(VNF) - Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến các loại tài sản này.
Cùng chuyên mục
Tin khác