Ngân sách áp lực trước ‘đỉnh’ nợ năm 2020-2021

Hoàng Thắng - 19/05/2020 12:05 (GMT+7)

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cảnh báo rủi ro với ngân sách khi năm nay và năm sau, Chính phủ phải trả hàng loạt khoản nợ tới hạn.

VNF

Báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ cho biết tổng tài sản của nhà nước tính tới cuối năm 2018 là gần 7,8 triệu tỷ đồng, bao gồm: 4,65 triệu tỷ đồng tổng nguồn vốn của nhà nước và 3,15 triệu tỷ đồng tổng nợ nhà nước phải trả.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá số nợ trên cùng khoản tiền lãi phải trả hàng năm lên tới 104.971 tỷ đồng cho thấy áp lực trả nợ của nhà nước khá cao – tương ứng 68,5% bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Trong khi đó, dư địa thu ngân sách hạn hẹp, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cảnh báo rủi ro khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Năm 2020 phải trả nợ gốc trong nước 150.000 tỷ đồng và con số này tới năm sau vọt lên 211.000 tỷ đồng.

Đối với trái phiếu Chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số thời điểm trong năm 2020 và 2021. Riêng năm 2020 phải trả khoảng 166.000 tỷ đồng nợ gốc với đỉnh nợ xuất hiện vào tháng 10. Bước sang năm 2021, nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 204.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản trái phiếu chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ trị giá 1.700 triệu USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021 cũng đòi hỏi phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Không chỉ phải giải quyết các khoản nợ đến hạn, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội còn cảnh báo việc phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài nhằm tái cơ cấu các khoản nợ vay sẽ gặp nhiều khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, ưu đãi với các khoản vay ODA giảm dần sẽ buộc Chính phủ phải huy động các khoản vay mới kém ưu đãi hơn nhiều để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn, từ đó làm tăng rủi ro và chi phí huy động vốn của Chính phủ.

Cuối cùng, rủi ro lãi suất với các khoản nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng, còn thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn.

Đồng thời, danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu tập trung vào 4 loại tiền biến động lớn trong thời gian qua là SDR, JPY, USD, EUR cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị danh nghĩa các khoản nợ.

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác