Ngân sách Hà Nội hụt hàng chục nghìn tỷ vì COVID-19
Tuyết Nhung -
12/03/2020 14:43 (GMT+7)
Dịch COVID-19 bùng phát đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của thành phố. Trong đó, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tính toán, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào quý II hoặc có thể lâu hơn, thu ngân sách của thành phố sẽ giảm khoảng 19.582 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy với Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội sáng 12/3, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của TP bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, lĩnh vực du lịch bị mạnh nhất.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết tăng trưởng du lịch chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng từ đầu tháng 3 đến nay đang giảm mạnh, khách đến Hà Nội từ các nước giảm bình quân tới 70,6% và chỉ mới đạt 13% so với kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cơ bản dừng hoạt động, số lượng công suất phòng lưu trú giảm.
Sản xuất công nghiệp cũng là lĩnh vực tiếp theo của Hà Nội bị ảnh hưởng trực tiếp nặng nề từ dịch COVID-19. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 15% và 40% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Đơn cử một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: bia, rượu (giảm 23,2%); giày, dép (giảm 5,5%)...
Phó chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết thêm, từ tác động của dịch COVID-19, thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong năm 2020 chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện thành phố đã xây dựng 3 tình huống cụ thể về thu ngân sách nhà nước do tác động của dịch COVID-19.
Cụ thể, tình huống 1: nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội giảm khoảng 11.482 tỷ đồng. Tình huống 2, nếu quý I hết dịch nhưng tình hình còn ảnh hưởng lớn đến các quý sau, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 15.182 tỷ đồng. Tình huống 3, dịch bệnh được kiểm soát vào quý II và có thể lâu hơn, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 19.582 tỉ đồng.
Từ đó, UBND TP.Hà Nội đã đưa ra dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020 của thành phố. Kịch bản 1 là dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để GRDP năm 2020 tăng 7,51%, đạt kế hoạch đề ra (từ 7,5% trở lên).
Kịch bản 2 là quý I kiểm soát được dịch bệnh nhưng các quý sau vẫn bị ảnh hưởng, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm 2020, GRDP tăng 6,93%, không đạt kế hoạch. Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo thì GRDP năm 2020 tăng 6,42%, không đạt kế hoạch.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 39 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó đã có 16/39 ca được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Tại Hà Nội, 4 trường hợp nhiễm COVID-19 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Để tiếp tục phòng chống dịch bệnh, Hà Nội đã tiếp tục điều tra khoanh vùng xử lý và rà soát các trường hợp có liên quan đến 4 ca bệnh. Số người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2) là 569 trường hợp và đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với toàn bộ trường hợp cách ly (tập trung và tại nhà) Hà Nội sẽ hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone