'Nghề rửa ảnh' thời hiện đại của chàng trai gốc Việt

Viễn Thông - 26/05/2019 14:18 (GMT+7)

Smartphone phổ cập là lúc nhiều cửa hàng rửa ảnh kiểu cũ lùi dần để nhường sân cho quầy in ảnh tự động.

Thuộc thế hệ 9X đời đầu, Nguyễn Thái Anh đến giờ vẫn sử dụng tiếng Việt không mấy trôi chảy. Anh sinh ra và lớn lên tại Ukraine, học và làm việc thời gian dài tại Anh, Mỹ. Từ lúc ra trường, chàng trai cũng ôm mộng startup đó đây, trước khi quyết định trở về quê hương 3 năm trước.

"Khi quyết định khởi nghiệp tại Việt Nam, gia đình lẫn bạn bè đều rất ngạc nhiên vì thời gian đó, tôi còn chưa nói được tiếng Việt. Mọi thứ ở đây đều mới lạ, phải bắt đầu làm mọi thứ, từ ngôn ngữ, môi trường kinh doanh... tất cả đều từ số không", anh kể lại những việc tưởng chừng đơn giản như thủ tục thành lập doanh nghiệp hay nhập khẩu khi ấy cũng là vấn đề với anh.

Giữa muôn vàn những ý tưởng đang đua nở ở quê hương, Thái Anh lại nhảy vào một thị trường rất nhỏ mà có khi nhiều người nghĩ nó không có lý do để tồn tại. Đó là in những tấm ảnh chụp trên điện thoại hay máy chụp hình kỹ thuật số. Thái Anh cho rằng việc hiện đại hóa nghề ‘rửa ảnh’ của vài thập niên trước đối với anh thực sự là một cơ hội.

"Canon, Fuji, Polaroid, Snap... vẫn tiếp tục phát triển các loại máy ảnh lấy liền. Các số liệu toàn cầu cũng cho thấy nhu cầu của người dùng, đặc biệt là giới trẻ, về ảnh lấy liền hoặc in ảnh vẫn rất lớn. Thú vị nhất, đa phần người trẻ độ tuổi 13-18 ngày nay chưa từng sở hữu hoặc mang ảnh đi in như thế hệ trước", anh nói rằng họ quen với việc chụp ảnh rồi chia sẻ tức thì lên mạng xã hội nhưng lạ lẫm với việc in và lưu giữ chúng.

Nguyễn Thái Anh bên cạnh một chiếc máy in ảnh tự động mà công ty triển khai

5 năm trước, Thái Anh tình cờ biết Boft – hệ thống máy in ảnh tự động hình dáng ATM, kết nối qua wifi hoặc tài khoản Instagram của người cần in - tại Nga. Anh và hai người bạn là Dennis và Artyom định triển khai tại Anh. Tuy nhiên, anh nói luật lệ kinh doanh ở châu Âu khá khắc nghiệt nên chuyển ý tưởng sang Đông Nam Á. Quê nhà Việt Nam là điểm đến đầu tiên, rồi mở rộng sang Malaysia, Thái Lan.

Giữa năm 2016, chiếc máy in ảnh tự động đầu tiên của anh được lắp ở Việt Nam. Đích thân ông chủ trẻ phải bỏ ra vài tháng để trực tại máy, quan sát phản ứng của khách và hướng dẫn họ từng thao tác.

Đến nay, anh đã có 32 máy tại các trung tâm thương mại lớn ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh. Chuyện có vẻ đơn giản nhưng anh từng muốn bỏ cuộc vì liên tục nhận được sự im lặng hoặc từ chối của chủ mặt bằng.

"Có lúc tôi tưởng như đã buông xuôi tất cả vì những đối tác là trung tâm thương mại lớn có quy trình làm việc phức tạp, chặt chẽ. Từ giai đoạn tiếp xúc, thương thảo đã mất 9 tháng đến 1 năm. Rồi ròng rã 2 năm không thể triển khai được tại thị trường Hàn Quốc đã bào mòn phần lớn ý chí của tôi", anh thừa nhận.

Tuy nhiên, khi triển khai được, thành quả cũng đến sớm. Thái Anh nói rằng từ lúc chiếc máy đầu tiên được lắp đặt tại Bà Nà Hills thì đã bắt đầu có lợi nhuận. Ba năm qua, hệ thống của anh đã in được 2,3 triệu ảnh của 570.000 khách hàng ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, mức giá tối thiểu mà khách hàng phải trả là 30.000 đồng cho mỗi lần in 2 tấm ảnh.

Vấn đề là, hầu như 90% khách hàng đến in ảnh tại các máy anh đặt vì tò mò, chỉ in một lần rồi thôi. Trong khi, lượng khách hàng trung thành chỉ chiếm 10%. Đây chính là bài toán thời gian tới của Thái Anh, bên cạnh việc mở rộng hệ thống, tìm kiếm đối tác để nhượng quyền công nghệ cũng như tung thêm các sản phẩm mới liên quan đến dịch vụ in ảnh.

"Trước khi bắt đầu với máy in ảnh tự động tại Việt Nam, tôi từng tham gia xây dựng phần mềm tổng hợp các hệ thống khách sạn phân khúc trung và thấp, máy trò chơi cho trẻ em, đầu tư vào dịch vụ vận tải, dịch vụ wifi marketing... Có dự án thành công, cũng có dự án thất bại, nhưng qua đó cũng học được nhiều kinh nghiệm", Thái Anh nói dự định phát triển công nghệ chụp ảnh mới dành riêng cho mảng sự kiện, đẩy mạnh hệ thống máy in ảnh tự động Boft cùng một đối tác chuyên về thiết kế UI/UX với 10 năm kinh nghiệm tại châu Âu và Mỹ.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác