Tài chính

Ngoài SCIC, 20 tập đoàn sẽ chuyển về ‘siêu’ Ủy ban quản lý vốn nhà nước

(VNF) – 21 tập đoàn, tổng công ty đã có tên trong danh sách đề xuất doanh nghiệp nhà nước thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài SCIC, 20 tập đoàn sẽ chuyển về ‘siêu’ Ủy ban quản lý vốn nhà nước

SCIC sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp

"Siêu ủy ban" sẽ là đại diện chủ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 20 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sẽ chuyển cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương về Ủy ban.

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam không còn thuộc quyền đại diện chủ sở hữu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không còn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ không còn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

Theo đề án, đến năm 2020, các bộ, UBND các tỉnh thành phố phải hoàn thành việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về "siêu ủy ban".

Các doanh nghiệp không thuộc đối tượng chuyển giao thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các doanh nghiệp thuộc 2 bộ này không đáp ứng tiêu chí an ninh, quốc phòng, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu được thực hiện theo phương án do Thủ tướng quyết định.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý vốn Nhà nước tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo mô hình ngân hàng 2 cấp như hiện nay.

Một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và các tổ chức kinh tế, tài chính đặc thù phục vụ công tác quản lý của các bộ cũng không phải chuyển về "siêu ủy ban".

UBND cấp tỉnh sẽ tiếp tục quản lý công ty xổ số và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ an sinh xã hội địa phương bao gồm cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Trong một diễn biến mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Tổ công tác 66) cũng đã ký Quyết định ban hành quy chế hoạt động của Tổ này.

Theo đó, Tổ công tác hoạt động thông qua họp định kỳ, họp đột xuất, lấy ý kiến bằng văn bản và tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát khi cần thiết. Tổ trưởng Tổ công tác quyết định phương thức hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác có thể mời đại diện các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tham gia họp, làm việc.

Tin mới lên