Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Như đã phản ánh, bà Liu Mei The - Chủ tịch HĐQT Công ty Paradise Development and Investment (đại diện Công ty liên danh Vũng Tàu Paradise – chủ đầu tư dự án Vũng Tàu Paradise) đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Thủ tướng xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng kéo dài thời gian hoạt động của dự án lên 50 năm, thay vì 25 năm như Giấy phép được cấp trước đó.
Liên quan đến vấn đề này, PV Nhadautu.vn đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư (nay là Bộ KH&ĐT), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Năm 1991, GS.TSKH Nguyễn Mại là người đã ký Giấy phép đầu tư dự án Vũng Tàu Paraside quy mô 220ha, với thời hạn hoạt động 25 năm.
- Thưa Giáo sư, vì sao một dự án có quy mô lớn như vậy lại chỉ được cấp phép hoạt động trong 25 năm?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Vũng Tàu Paraside là một trong những dự án lớn vào thời kỳ đó, không chỉ của Vũng Tàu mà của cả nước. Diện tích đất được cấp lên đến 220, đất dự án cũng chẳng phải đất canh tác, mà toàn là cát. Trước khi có dự án này, đất ở đó bỏ không, không ai làm gì, chỉ có phi lao thôi. Thời điểm cấp dự án này, ai cũng đồng tình bởi sẽ biến một bãi cát mênh mông thành một khu du lịch.
Chủ đầu tư dự án là một trong những người Đài Loan – Trung Quốc (đã qua đời) mà tôi đã có dịp đến nhà ông này. Ông ấy không phải tỷ phú nhưng chắc thời điểm đó có trăm triệu USD. Dăm bảy chục triệu USD hồi bấy giờ là to lắm rồi. Họ định đầu tư vào đây vài ba chục triệu, phía Việt Nam chỉ góp đất, chẳng mất gì cả. Người ta xây bãi tắm, xây khách sạn, đem các thiết bị làm trò chơi giải trí, phục vụ khách du lịch.
Mặc dù tôi ký cấp Giấy phép đầu tư vào năm 1991, nhưng đúng như họ nói là năm 1993, chủ đầu tư mới được cấp đất. Trong thời kỳ đầu, theo quy định, thời hạn cấp phép cho các dự án FDI vào Việt Nam là từ 20 đến 25 năm là nhiều. Sau này mới cho đến 50 - 70 năm.
Phải nói rằng đến năm 2005 – 2010, họ chưa có đồng lãi nào, bởi quá trình hợp tác giữa công ty Đài Loan với Công ty du lịch Vũng Tàu sóng gió cũng rất nhiều. Khi bàn giao cho địa phương đã xảy ra một số vấn đề mà địa phương cũng không xử lý đến.
Tôi nhớ thời điểm tôi nghỉ hưu, rồi làm trong Tổ kinh tế đối ngoại tư vấn cho Thủ tướng, hồi bấy giờ ông Vũ Huy Hoàng là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thì những mâu thuẫn về cơ bản xử lý được, tức là vào khoảng năm 2000. Công ty mất một vài năm để làm lại.
Theo tôi, các cơ quan nhà nước, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các bộ trên này nên xem xét một cách khách quan những đề xuất của chủ đầu tư.
- Những yếu tố khách quan mà cơ quan quản lý cần xem xét đó là gì, thưa Giáo sư?
Thứ nhất là lịch sử ra đời của dự án này, hầu như khi đó vị trí dự án là chúng ta chỉ có cát thôi, mà cát được định giá thành USD. Do đó, tôi đề nghị với cơ quan nhà nước, kể cả Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Văn phòng Chính phủ nên xem xét một cách khách quan hoàn cảnh lịch sử, xung đột giữa hai bên khi chủ đầu tư mất khá nhiều tiền đầu tư vào đây mà lãi lời chưa nhiều, rồi sau đó thì ông chủ chết và phải cơ cấu lại vốn.
Việc kéo dài thời hạn dự án thêm vài chục năm nữa cũng chẳng sao và làm như vậy thì chúng ta được lợi là không chỉ xúc tiến đầu tư vào dự án mới mà còn thông cảm với các nhà đầu tư gặp khó khăn. Phải giải quyết một cách có lý, có tình. Cả một khu du lịch người ta đã có kinh nghiệm quản lý rồi và bây giờ chúng ta chẳng mất gì cả thì nên căn cứ vào lịch sử và căn cứ vào thực tế để xem xét gia hạn hoạt động.
Giải quyết những khó khăn cho các nhà đầu tư đang gặp khó là cách xúc tiến đầu tư tốt nhất. Mà hơn nữa, đầu tư từ Đài Loan sang Việt Nam thì từ trước đến nay cũng là một loại hình đầu tư lớn với các dự án rất lớn. Nhiều dự án của Đài Loan vào Việt Nam rất tốt. Nên kéo dài thời gian cho các dự án này, giải quyết vướng mắc để họ hoạt động tiếp tục, thu lãi. Nếu dừng lại, chấm dứt hoạt động của dự án thì ít nhất mất vài năm mới giải quyết được, nhà đầu tư không được hoạt động, người mới cũng phải mất thời gian thương thảo. Nếu thu hồi thì phải tính lại, đền bù ít nhất cũng bằng vốn nhà đầu tư bỏ ra. Việc này cũng mất vài năm, vừa mất thời gian, vừa mất tiền, lợi bất cập hại. Do đó phương án thu hồi là không nên.
Ví dụ như khách sạn Hà Nội, một khách sạn liên doanh làm ăn rất tốt. Chẳng lẽ đến thời gian hết hạn lại bắt khách sạn đóng cửa? Điều này rất vô lý!
Bao giờ trong luật cũng quy định, nhà đầu tư có quyền đề nghị kéo dài dự án. Thời gian đầu, các dự án được quy định cho phép thời gian đầu tư 20-25 năm. Sau này, rất nhiều dự án có quy mô nhỏ hơn cũng được 50 năm. Do đó, cũng nên thông cảm với các nhà đầu tư vào các dự án như trên.
- Được cấp phép vào năm 1991, là dự án FDI đầu tiên tại Vũng Tàu những năm 90. Có ý kiến cho rằng việc chấm dứt hoạt động dự án là quá cứng nhắc, vội vàng khi chưa xem xem xét những đóng góp, sự mạo hiểm, rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải vào thời điểm đó, thưa Giáo sư?
Xét về lợi ích kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì có nên thu hồi hay không? Ngừng kinh doanh để giải thể một liên doanh ít nhất phải mất vài năm, chưa nói trong quá trình đó, việc thỏa thuận đền bù thậm chí còn kéo dài lâu hơn. Trong trường hợp thỏa thuận đền bù rồi, chấm dứt rồi, mất 2-3 năm tài sản trên đất không sinh lợi.
Hơn nữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa rồi đã đồng ý cho một số nhà đầu tư ngoại làm dự án bên cạnh Hồ Tràm. Bà Rịa - Vũng Tàu phải tận dụng lợi thế để phát triển. Đặc biệt, lợi thế về du lịch không có nơi nào ở khu vực miền Nam phát triển hơn Bà Rịa - Vũng Tàu và phải phát triển du lịch quốc tế, phải cạnh tranh được với Phuket của Thái Lan. Muốn du lịch đạt đẳng cấp quốc tế phải thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đang có một dự án du lịch của nhà đầu tư nước ngoài làm tốt như Vũng Tàu Paradise lại bị yêu cầu thu hồi chỉ vì hết hạn là mâu thuẫn với chủ trương phát triển du lịch quốc tế.
Chủ đầu tư dự án Vũng Tàu Paradise đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Thủ tướng xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng kéo dài thời gian hoạt động của dự án lên 50 năm, thay vì 25 năm như Giấy phép được cấp trước đó. Ảnh: sân golf, một hạng mục trong tổng thể dự án Vũng Tàu Paradise.
Đầu tư nước ngoài của Việt Nam gần đây nói nhiều đến chuyển hướng cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế hiện đại phải bắt đầu bằng dịch vụ, trong đó dịch vụ du lịch. Năm vừa rồi, khách du lịch tăng trưởng, năm 2030 sẽ đạt 50 – 60 triệu khách du lịch quốc tế. Đây là nguồn thu tốt, không phải xuất khẩu. Điều kiện làm tốt các cơ sở du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng các di tích lịch sử. Bây giờ không phải quan tâm là phải nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, du lịch.
Rõ ràng tất cả những ý tưởng này là những ý tưởng đang thực hiện và nằm trong tầm tay của Việt Nam. Vì vậy, không có lý do gì một dự án người ta đang làm tốt lại đề nghị thu hồi, trong khi chỉ cần kéo dài thêm thời gian cho nhà đầu tư.
- Những liên doanh có dự án sắp hết hạn như Vũng Tàu Paradise ở Việt Nam cũng không phải ít. Việc chấm dứt hoạt động Vũng Tàu Paradise liệu có tạo tiền lệ để thu hồi các dự án FDI khác, đặc biệt các dự quy mô vốn lớn hàng hàng trăm, tỷ USD hay không? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường kinh doanh, việc kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, thưa Giáo sư?
Điều quan trọng nhất là cách tiếp cận của UBND các tỉnh, thành phố. Cách tiếp cận đó thích hợp với xu thế hiện đại khác với cách tiếp cận theo lợi ích cục bộ. Nếu vì lợi ích quốc gia thì phải có cách tiếp cận khác, còn nếu vì lợi ích nhóm nào đó thì sẽ hoàn toàn khác. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào những người đứng đầu.
Tôi tin rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp cận theo hướng hiện đại, vì lợi ích của xã hội và quốc gia trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu với thế giới như hiện nay.
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà đầu tư ngồi lại đánh giá đóng góp của dự án FDI đầu tiên của tỉnh này. Theo Giáo sư, trong báo cáo sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần chú ý điều gì?
Nói về đóng góp của dự án phải nhìn lại kết quả 20 năm vừa rồi nhưng điều quan trọng nhất là phải đánh giá triển vọng sắp tới. Có những dự án có thể thu hồi nếu như không có đóng góp gì cho đất nước trong thời gian sắp tới. Những dự án chưa hết thời hạn nhưng có vi phạm môi trường, tác động đến xã hội thì rõ ràng có thể dừng hoạt động nếu thực sự không có lợi.
Khi xem xét không chỉ nhìn về lịch sử mà còn xem xét đến tương lai, đến định hướng phát triển của đất nước và của địa phương. Trong tương lai, du lịch phải trở thành nền kinh tế mũi nhọn của Vũng Tàu. Do đó, không có lý do gì để thu hồi một dự án như Vũng Tàu Paradise!.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.