Nhà bán lẻ Mỹ phá sản, doanh nghiệp dệt may Việt chới với

Mai Phương - 13/09/2020 10:32 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản khiến các doanh nghiệp may Việt Nam bị mất hàng trăm tỷ đồng.

VNF
Nhiều doanh nghiệp may bị mất hàng trăm tỉ đồng do đối tác Mỹ phá sản

Giữa tháng 7, Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company - NY&Co) tại Mỹ nộp đơn phá sản đã giáng một đòn mạnh cho Công ty Cổ phần May Sông Hồng (MSH) khi công ty này là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn nhất của May Sông Hồng trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng cộng May Sông Hồng còn đang kẹt khoản nợ phải thu lên tới 219 tỷ đồng với khách hàng này. Tuy nhiên, do sự việc khá đột ngột nên trong nửa đầu năm 2020, công ty May Sông Hồng vẫn chưa trích lập dự phòng đối với khoản thu nói trên. Dự kiến doanh nghiệp chỉ bắt đầu trích lập dự phòng trong báo cáo tài chính quý III và quý IV/2020. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản nợ của khách hàng NY&Co, lãnh đạo công ty cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.

Trước đó vào tháng 5, chuỗi bách hóa khổng lồ J.C.Penney tại Mỹ cũng tuyên bố đóng cửa khiến cho hàng loạt doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang là đối tác của tập đoàn này bị cuốn vào cơn bão. Việc thu hồi được nợ từ những công ty đã tuyên bố phá sản như “mò kim đáy bể” vì các hãng đã cạn kiệt tài chính, tài sản còn lại không đủ để trả nợ cho đối tác.

Chẳng hạn, từ năm 2018 khi hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản, Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) có giao dịch với 2 công ty con của Công ty Sears là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation đã bị thiệt hại khoản tiền lớn, trong đó khoản nợ phải thu từ Công ty Sears, Roebuck & Co là 63,86 tỷ đồng và từ Kmart Corporation là hơn 37 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, số nợ phải thu được ghi nhận tại 2 công ty trên hầu như không thay đổi, tổng cộng hơn 100 tỷ đồng. Mới nhất tại báo cáo tài chính quý II/2020 của dệt may Thành Công, số nợ phải thu từ 2 công ty thuộc Sears Holdings vẫn còn nguyên...

Theo ước tính, chỉ riêng tại Mỹ thời gian qua đã có khoảng 10 tập đoàn bán lẻ, các hãng kinh doanh chuyên về thời trang nộp đơn phá sản tương ứng với doanh số năm 2019 khoảng 10 tỷ USD. Vì vậy, khả năng bị vạ lây của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại. Hơn nữa, nhu cầu dệt may toàn cầu đã giảm 25 - 30% so với trước đây khiến đơn hàng dệt may toàn cầu đi xuống, đẩy nhiều doanh nghiệp may Việt phải cắt giảm sản xuất...

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác