Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ‘chấp nhận’ mức giá bằng 50% khung giá phát điện của Bộ Công Thương

Kỳ Thư - 07/05/2023 09:13 (GMT+7)

(VNF) - EVN đã nhận được 27 hồ sơ đàm phán điện theo khung giá chuyển tiếp. Trong đó có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.

VNF
EVN cho biết cơ quan này vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương trong đàm phán giá điện với dự án năng lượng tái tạo

EVN vừa có văn bản báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nguy cấp về cung ứng điện.

EVN chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương trong đàm phán giá điện với dự án năng lượng tái tạo

Tại văn bản này, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thương thảo các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Theo đó, EVN đã nhận được 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp.

“Có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức”, EVN nhấn mạnh.

Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy năng lượng chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Về dự kiến tình hình cung cấp điện tháng 5 và các tháng còn lại năm 2023, EVN cho biết do cơ cấu huy động nguồn đang có sự thay đổi lớn nên tổng sản lượng nguồn thủy điện, nguồn nhiệt điện than nội, nguồn nhập khẩu giảm mạnh và được bù bằng nguồn nhiệt điện than nhập, đặc biệt sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu trong các tháng cao điểm mùa khô.

Trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: công suất tiêu thụ điện (Pmax) miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600– 4.900 MW.

EVN đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó 

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho EVN, EVN đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì tổ chức cuộc họp với EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, đơn vị phát điện liên quan để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đảm bảo cung cấp khí ổn định, ưu tiên cấp khí cho phát điện.

“Cùng với đó đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy nhà máy điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) khẩn trương khắc phục sự cố tại tổ máy số 1, nhiệt điện Vũng Áng 1 để sớm đưa nhà máy này vào vận hành”, EVN đề xuất.

EVN cũng đề nghị Tổng công ty Điện lực – Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam khẩn trương khắc phục sự cố S2 Cẩm Phả và có các biện pháp đảm bảo các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực -Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) vận hành ổn định.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường khai thác và cung cấp đủ than cho sản xuất điện; chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện khu vực miền Bắc tập trung củng cố thiết bị, tăng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy, đặc biệt trong các tháng nắng nóng tại miền Bắc (từ tháng 5-7); chuẩn bị đủ nhiên liệu để huy động theo nhu cầu hệ thống.

Ngoài ra, EVN cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm có ý kiến chỉ đạo về các nội dung EVN đã báo cáo tại văn bản số 1874/EVN-TTĐ ngày 17/4/2023 về chủ trương EVN bán điện phục vụ thử nghiệm, khởi động các tổ máy tại Lào, tạo điều kiện cho EVN ký hợp đồng bán điện và đưa các nhà máy điện này vào vận hành thương mại.

EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có ý kiến đối với các kiến nghị của EVN tại văn bản số 1499/EVN- TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 liên quan đến nguyên tắc xác định giá điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô, EVN đề xuất Bộ Công Thương sớm có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước và ban hành cơ chế thực hiện chương trình tiết kiệm điện và điều hòa phụ tải giai đoạn 2020-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020.

Cuối cùng, EVN đề xuất Bộ Công Thương sớm có cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bổ sung quy hoạch các nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để đảm bảo cung ứng điện trong các năm tiếp theo; có cơ chế khuyến khích ngay việc phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).

Cùng chuyên mục
Tin khác