Nhà đầu tư Thái rót vốn làm điện mặt trời ở Việt Nam

An Yến - 25/05/2019 18:58 (GMT+7)

Đây là một trong những dự án vốn FDI lớn trong 5 tháng đầu năm nay.

VNF
Điện mặt trời thu hút nhiều vốn đầu tư trong ngoài nước

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Số vốn này đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (cùng kỳ năm 2016 đạt 10,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 12,1 tỷ USD và năm 2018 đạt 9,9 tỷ USD).

Đáng chú ý, trong số các dự án lớn vốn FDI rót vào Việt Nam, có dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu sản xuất điện mặt trời.

Các nhà đầu tư Thái Lan gần đây liên tục mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Vào tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với công suất phát điện kết hợp khoảng 100 MW.

Hay như trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên.

Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.

Trong năm 2018, một nhà đầu tư khác đến từ Thái là Công ty Sermsang International đã mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi, quy mô 49,61 MW.

Tương tự, tập đoàn năng lượng Gulf Energy Development thông báo đã ký hợp đồng với Công ty Năng lượng Xanh để phát triển dự án điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh...

Điều này cho thấy điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam không chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch Phát triển Năng lượng (PDP 7) hiện tại của Việt Nam đưa than đá lên vị trí hàng đầu để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, một sự thay đổi về quan điểm bắt đầu vào năm 2016 với phiên bản sửa đổi của PDP 7 đã chuyển hướng sang năng lượng tái tạo giá rẻ, và các nhà phân tích dự đoán PDP 8, dự kiến ban hành vào cuối năm nay, sẽ điều chỉnh chính sách hơn nữa. Điều này cũng góp phần khuyến khích các nhà đầu tư trong ngoài nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác