Nhà giàu Việt chi triệu đô mua du thuyền, nhiều tên tuổi lớn tìm đến

Trần Lê - 07/03/2021 16:58 (GMT+7)

(VNF) - Ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, do thuận tiện giao thông đường thủy, nhiều đại gia đã mua du thuyền hơn 10 năm nay. Nhưng hiện những chiếc du thuyền từ vài chục đến vài trăm nghìn đô đang lo lắng thiếu bến neo đậu.

VNF
Nhà giàu Việt sẵn sàng chi triệu đô mua du thuyền hạng sang (ảnh minh họa)

Nhu cầu du thuyền tăng cùng nhà giàu Việt  

Trong báo cáo Wealth Report 2021 được Knight Frank - công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới công bố vào đầu tháng 3/2021, Việt Nam có 390 người siêu giàu (với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2020. Số người sở hữu khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam năm 2020 là gần 19.500 người, tương đương khoảng 6%.

Đơn vị này dự đoán 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam lọt top nhanh nhất thế giới, khoảng 31%. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 511 người Việt sẽ sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD, cùng với đó số người có trên 1 triệu USD trong túi là 25.800 người.

Ảnh minh họa: du thuyền tại TP. HCM

Một nhà phân phối độc quyền của du thuyền của Pháp tại Việt Nam, đã bán 1 chiếc 1 từng đoạt nhiều giải thưởng, có giá khoảng 36 tỷ đồng (1,6 triệu USD). Trong 2 năm qua đơn vị phân phối này đã bán được 20 chiếc. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ giao thêm một chiếc y chang vừa bán và một chiếc cao cấp hơn.

Các công ty kinh doanh du thuyền cho biết mặc dù thị trường còn rất mới, nhưng nhu cầu rất lớn, phần lớn tập trung vào loại du thuyền có 800 triệu - 2 tỷ đồng, 90% người mua du thuyền là các cá nhân. Họ mua du thuyền là để tổ chức các buổi họp kinh doanh nhỏ và các bữa tiệc sinh nhật và cuối năm…

Thị trường du thuyền Việt Nam đã đánh dấu cột mốc khởi động vào năm 2016, khi hãng du thuyền lớn đầu tiên của thế giới - Azimut Yachts - đặt chân vào thị trường Việt thông qua một nhà phân phối từ Nga.

Đến năm 2017, một loạt các công ty du thuyền của người Việt chính thức ra đời, hai cái tên nổi bật là Tam Sơn Yachting - nhà phân phối các thương hiệu của tập đoàn Beneteau Group, và công ty Vietyacht phân phối các nhãn hiệu Jeanneau, Prestige Yacht.

Trong năm nay, dự án Ana Marina - bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cũng được biết đến rộng rãi. Công ty đầu tư bến du thuyền Ana Marina còn là đơn vị phân phối thương hiệụ Princess Yachts đến từ Anh.

Từ năm 2019, thị trường bắt đầu sôi động hơn khi có sự xuất hiện của các tập đoàn quốc tế như Asiamarine, Fraser Yachts. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Ferretti Group hay Azimut Yachts cũng tìm được đơn vị phân phối tại Việt Nam. Đến cuối 2019 đầu 2020, các du thuyền mới ở phân khúc 15m bắt đầu được nhập về Việt Nam nhiều hơn. Đa số là du thuyền châu Âu với mức giá từ 1 – 2 triệu USD trước thuế.

Theo thống kê từ các đơn vị kinh doanh du thuyền, hiện nay Việt Nam có khoảng 15 công ty du thuyền.

Trào lưu du thuyền cá nhân

Du thuyền lớn có thể còn xa xỉ với nhiều người nhưng du thuyền nhỏ giá cả bằng một chiếc ô tô, sẽ trong tầm tay của nhiều người.

Theo chủ tịch công ty Yachting Vietnam, thị trường du thuyền tại Việt Nam rất tiềm năng để phát triển bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặc biệt tại TP. HCM rất có lợi thế. Du thuyền có thể trở thành một thú vui với những gia đình có điều kiện ổn định.

Xu thế chơi du thuyền cá nhân và du lịch tại Việt Nam đang tăng trưởng. Minh chứng là chỉ trong một tháng cận Tết, tại TP. HCM đã diễn ra hai cuộc triển lãm du thuyền có quy mô, thu hút sự quan tâm của các cá nhân, đơn vị du lịch, giới bất động sản.

Tính riêng tại TP. HCM, nhu cầu chơi du thuyền tăng, trở thành trào lưu trải nghiệm cá nhân câu lạc bộ vui chơi và phục vụ khách du lịch... Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP. HCM là 50. Tổng số canô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị) được đăng ký đang hoạt động là 390 phương tiện.

Ngành du thuyền Việt Nam đang chờ đón cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, dựa trên sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu và lợi thế hệ thống giao thông thủy với 2.360 con song, 42.000km đường thủy kết nối các tỉnh thành phố, cùng hơn 3.000km đường bờ biển.

Tuy nhiên, bến bãi là bài toán khó đầu tiên khi ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, các bến du thuyền đủ tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một bến đậu đúng chuẩn bao gồm chỗ neo đậu, hệ thống điện nước phục vụ thuyền cùng một số tiện ích đi kèm như clubhouse, nhà hàng café…

Theo các đơn vị kinh doanh, du thuyền có đặc thù riêng đòi hỏi có bến neo đậu, mặt nước vui chơi, trải nghiệm. Mạng lưới sông ngòi, mặt nước các tỉnh phía Nam khá phong phú nhưng diện tích mặt nước đáp ứng yêu cầu không còn nhiều nên cần có sự hoạch định từ Nhà nước. Có như vậy, nhà đầu tư, dân chơi và các công ty du lịch mới có cơ sở để tham gia vào ngành công nghiệp mang lại hàng tỷ USD này.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, với tiềm năng to lớn đó cùng tốc độ đô thị hóa nhanh của TP. HCM đã phát sinh nhu cầu thực tế sử dụng vùng nước ven bờ để neo đậu phương tiện cho tổ chức, cá nhân không kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên đường thủy nội địa thời gian tới là rất lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác