Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Bán ế, Tổng công ty Giấy ‘cầu cứu’ Thủ tướng cho cơ chế đặc thù

Vĩnh Chi - 09/07/2018 07:31 (GMT+7)

(VNF) - Trong trường hợp vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm đến việc mua Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề xuất Chính phủ cho phép giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Số lần giảm giá sẽ không giới hạn, cho đến khi nào có khách hàng chịu mua nhà máy này.

VNF
Nhà máy Bột giấy Phương Nam 3 lần rao bán không ai mua

Ngày 8/6/2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có báo cáo số 161 gửi Bộ Công Thương đề xuất phương án tiếp tục triển khai công tác bán đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Theo đó, việc bán đấu giá nhà máy sẽ gồm 2 bước. Bước 1, do hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc mua nhà máy, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cho phép Tổng công ty tiếp tục đăng tải thông tin và thực hiện bán đấu giá nhà máy theo phương án đã được phê duyệt với mức giá khởi điểm là 1.885,4 tỷ đồng. Thời gian từ lúc đăng tải thông tin đến lúc tổ chức bán đấu giá tối đa không quá 45 ngày.

Bước 2, sau khi hết thời gian đăng tải thông tin và thực hiện bán như trên, trong trường hợp không có nhà đầu tư nào quan tâm, Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù dưới hình thức ban hành nghị quyết của Chính phủ, làm cơ sở tiếp tục tổ chức bán đấu giá.

Cơ chế đặc thù này là Chính phủ cho phép giảm 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó. Thời gian mỗi lần giảm giá theo đúng quy định của pháp luật và không giới hạn số lần giảm giá.

“Mỗi lần giảm giá, Tổng công ty sẽ đánh giá lại khả năng tài chính và khả năng trả nợ của Tổng công ty sau khi xử lý dự án và báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định việc giảm giá tiếp theo”, văn bản của Tổng công ty Giấy nhấn mạnh.

Ngoài đề xuất như trên, trong văn bản gửi Bộ Công Thương hôm 3/7/2018, Tổng công ty Giấy Việt Nam còn đề cập đến việc định giá lại toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Cụ thể, Tổng công ty cho biết chứng thư thẩm định giá số 11-17/CT-ĐG/ĐG ngày 24/1/2017 (định giá Nhà máy Bột giấy Phương Nam) do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam phát hành đã hết hiệu lực. Trong khi đó, đơn vị này lại từ chối gia hạn chứng thư thẩm định giá do thực tế giá cả thị trường đã có nhiều biến động.

“Như vậy, Tổng công ty Giấy Việt Nam không đủ căn cứ để tiếp tục chào bán tài sản dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo giá khởi điểm đã được phê duyệt như Tổng công ty đã đề xuất với Bộ Công Thương”.

Trước tình hình này, Tổng công ty Giấy đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt một trong hai phương án: hoặc chỉ định Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam tiếp tục thực hiện hợp đồng tư vấn định giá, hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn định giá Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Trường hợp chỉ định sẽ tiết kiệm được thời gian định giá, dự kiến hoàn thành khoảng 2 tháng, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Còn trường hợp tổ chức đấu thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu dự kiến từ 45 – 60 ngày.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, năm 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiến hành đấu giá dự án nhà máy bột giấy Phương Nam 3 lần.

Lần đầu tiên là từ ngày 12 - 14/7/2017. Lần thứ hai, từ ngày 20/7 đến 9/8/2017, gia hạn thêm 15 ngày; và lần thứ ba là từ ngày 23/8 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày). Tuy nhiên, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn.

Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.

Sau đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.

Tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng. Còn đến cuối năm 2016, nếu tính cả lãi suất phải trả thì tổng nợ phải trả của dự án lên tới 2.695 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác