Nhiều doanh nghiệp ô tô tải nguy cơ đóng cửa

Tuấn Nguyễn - 27/12/2018 10:06 (GMT+7)

Do quy mô thị trường vẫn nhỏ, tỷ lệ nội địa hoá thấp, nhiều khoản thuế phí “đè lên”, nhu cầu giảm trong khi hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp xe tải ở Việt Nam khó khăn chồng chất, và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

VNF
Nhiều doanh nghiệp ô tô tải nguy cơ đóng cửa.

Hết tháng 12 này, tròn 1 năm áp dụng Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2018, thị trường ô tô nhập khẩu hết sức ảm đạm bởi các doanh nghiệp (DN) chưa thể đáp ứng được những quy định mới. Các hãng không thể nhập xe về Việt Nam hoặc chỉ về với lượng rất ít để “cầm cự” và cố gắng duy trì việc bán hàng bằng cách bán nốt lượng xe tồn được nhập khẩu (NK) trước đó.

Từ tháng 7/2018, thị trường ô tô nhập khẩu bắt đầu trở lại sôi động hơn khi một số hãng bắt đầu đáp ứng được các quy định mới của NĐ 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện nghị định này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 11 tháng qua, cả nước nhập 66.283 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,5 tỷ USD.

Mặc dù tình hình NK ô tô liên tục tăng trưởng, nhưng hết tháng 11, sản lượng xe ô tô nhập khẩu vẫn đang giảm khoảng 20% trong khi kim ngạch giảm 21% so với cùng kỳ 2017. Xét về xuất xứ, hết tháng 11, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu về số lượng ô tô nguyên chiếc NK và kim ngạch.

Xét về doanh số, báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, 11 tháng qua, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 253.956 xe, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 193.688 xe tăng 11%, còn xe NK đạt 60.269 xe giảm 14% so với cùng kì năm ngoái.

Về thị phần tại thị trường ô tô Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua thị phần của 2 nhà sản xuất chiếm vị trí số 1 và 2 lại có sự đảo ngược. Theo đó, Trường Hải (Thaco) lấy lại vị trí số 1 " là nhà sản xuất đứng đầu thị trường (30,2%) sau 1 tháng bị Toyota chiếm giữ (25,2%).

Với việc khai thông được nguồn cung và hưởng thuế NK 0%, hiện nhiều DN kinh doanh và sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam đang dần chuyển sang phân phối các dòng xe NK thay vì lắp ráp như trước.

Theo quy định của Bộ GTVT, từ 1/1/2018, xe ô tô động cơ diesel sẽ phải triển khai tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, nhiều DN trước đó đã lắp ráp và đăng kiểm số lượng lớn xe tải tiêu chuẩn Euro 2 vào năm 2017, để sang 2018 bán ra. Những chiếc xe này có giá rẻ hơn so với xe tiêu chuẩn Euro 4, hy vọng sẽ bán tốt.

Thế nhưng, đến hết năm 2018, một số DN vẫn chỉ bán được vài trăm xe, trong khi tồn kho cả nghìn chiếc, khiến chi phí bảo quản, lưu kho bãi với xe tồn và các linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, một số DN đã phải tạm ngừng kế hoạch đưa ra mẫu xe mới.

Theo các DN, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do ảnh hưởng từ việc siết chặt việc chở hàng quá tải vài năm trở lại đây. Ngoài ra, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay với khách hàng mua xe tải kinh doanh, chính vì vậy doanh số bán giảm. Hiện trên thị trường chỉ có những mẫu xe tải cỡ nhỏ giá rẻ, chất lượng đảm bảo, vẫn còn duy trì doanh số bán ổn định. Tuy vậy, các DN cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi, trong khi trước đây không cần khuyến mãi vẫn bán tốt.

Chưa kể, từ tháng 4/2019, các DN sản xuất ô tô sẽ phải thực hiện quy định mới tại Nghị định 116. Theo đó, các DN sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có xe tải, phải có đường thử xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô khó đáp ứng. Những DN nhỏ nhà xưởng vốn nhỏ bé, diện tích mặt bằng hạn hẹp, sẽ không dễ đáp ứng quy định này. Nếu muốn đáp ứng chỉ còn cách thuê khu đất mới làm đường thử mới, như vậy, chi phí sẽ tăng, khiến giá xe đội lên.

Một điều kiện bắt buộc nữa là phải có dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Để đầu tư dây chuyền này tốn hơn 100 tỷ đồng, nhiều DN nhỏ không có tiền đầu tư, hoặc đầu tư xong cũng khiến giá xe đội lên.

Nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không thể đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 116. Nếu có làm được thì chi phí cũng sẽ đồng loạt tăng, khiến giá xe tăng cao. Đã có một vài DN lắp ráp xe tải đang rao bán nhà máy.

Đơn cử, báo cáo tài chính Công ty cổ phần Ô tô TMT quý 3/2018 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần của TMT đạt 843 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành được 27% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,1 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và cũng chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm. Theo kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHCĐ thường niên 2018 của TMT, doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 3.076 tỷ đồng và 29,6 tỷ đồng.

Theo ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện vẫn còn nhiều DN thuộc VAMA gặp khó khăn đối với các yêu cầu về đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Ngoài ra, về quy định đường thử xe lắp ráp nhiều DN không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng đường thử. Việc thuê đường cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử và ngược lại.

“Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ đối với DN đang triển khai đầu tư xây dựng đường thử nhưng chưa kịp hoàn thành trước thời hạn tháng 4/2019 theo thời hạn của Nghị định 116. Những trường hợp này DN cần phải cam kết cụ thể thời gian hoàn thành và báo cáo Chính phủ”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Dự báo của các DN cho thấy, thời gian tới một số sản phẩm sẽ tăng giá trở lại, đặc biệt là xe tải cao cấp. Với xe tải động cơ Euro 4, hạng trung từ 3-8 tấn, giá thành tăng thêm khoảng 50 triệu đồng, còn xe hạng nặng từ 8-30 tấn, giá dự kiến tăng hơn 100 triệu đồng mỗi xe.

Thực tế, giá xe Việt Nam hiện vẫn cao gần gấp đôi so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan hay Indonesia, thậm chí gấp 3 các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật…Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên nhân chính bởi do thuế, phí cao và nguyên nhân sâu xa chính là “cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng”.

Thống kê của Bộ GTVT, đến giữa năm 2018 đã có 200 bộ hồ sơ NK cho 103 kiểu loại ô tô và 7.226 xe ô tô được cấp giấy chứng nhận ra thị trường tiêu thụ. 

Xem thêm: Tăng giá giữ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/1/2019

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác