Nhiều ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng, chuyên gia dự báo giá sẽ lập kỷ lục mới

Bích Thủy - 10/06/2021 14:27 (GMT+7)

(VNF) - 21% ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2021.

VNF
21% ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2021 (ảnh minh họa)

Sau 13 giờ ngày 10/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,65 – 57,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.886,8 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới giảm hơn 6 USD/ounce (khoảng 140.000 đồng).

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được niêm yết trong khoảng 52,75- 53,35 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá vàng trang sức có xu hướng giảm mạnh hơn so với giá vàng SJC.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC giữ ở mức 600.000 đồng/lượng, bằng với mức hôm qua, và đây là mức khá cao. Trung bình các tháng qua chỉ chênh lệch mua vào và bán ra ở mức 400.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước hôm nay vẫn ở mức tương đương cả tuần trước, vàng thế giới hiện thấp hơn vàng trong nước khoảng 4,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 9/6 cao hơn khoảng 24,5% (372 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Còn nếu so với mức đỉnh của đợt tăng giá này (gần 1.910 USD trong phiên 2/6), giá vàng hiện tại đã thấp hơn 22 USD, tương đương mức giảm ròng gần 1,2% giá trị.

Giá vàng trên thị trường quốc tế trong 24 giờ qua bị các thông tin bất lợi kìm nén khả năng tăng giá. Cụ thể, nhà đầu tư mạnh tay bán cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Số khác thì bán trái phiếu Mỹ làm cho lãi suất trái phiếu từ 1,56%/năm xuống còn 1,51%. Họ tập trung vốn vào USD giúp USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Lập tức, giá vàng thế giới rơi vào hoàn cảnh khó khăn.  

Nhiều người e ngại việc đưa vốn vào kim loại quý có thể rủi ro. Vì thế, dòng tiền chảy vào thị trường vàng rất ít khiến giá vàng trong ngày 9/6 biến động tại vùng 1.890 USD/ounce trong nhiều giờ liên tiếp. Đến đầu ngày 10/6, giá vàng giảm nhẹ, còn 1.888 USD/ounce.

Triển vọng dài hạn của vàng vẫn tươi sáng. Áp lực lạm phát gia tăng trên khắp thế giới là yếu tố tích cực đối với các thị trường kim loại.

Trên Bloomberg, SkyBridge Capital đưa ra dự báo cho rằng giá vàng sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục mới trong năm tới ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới rút dần chương trình mua tài sản.

Trong khi đó, Fitch Solutions dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trong bối cảnh đồng USD suy yếu và làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới có thể xuất hiện.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 21% ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2021. Các ngân hàng này kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong dự trữ của họ. Trong khi đó, không có ngân hàng trung ương nào dự kiến bán vàng trong năm nay.

Hiện tại, giá vàng đang chờ đợi những thông tin tích cực mới để tiếp tục xu hướng tăng. Các dự báo trước đó cho rằng dữ liệu này sẽ tăng so với con số của tháng trước và ở mức gần 5%. Điều này có thể trở thành động lực để vàng tăng giá.

Các chuyên gia cũng đang đưa ra ý kiến, rủi ro chính mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong thập kỷ này không phải là sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán mà là lạm phát. Các nhà đầu tư sẽ tìm cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất có thể và vàng, bạc, dầu sẽ nằm trong danh sách đó.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác