Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngày 15/9, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.800 cuộc thanh tra hành chính và 115.122 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Kết quả phát hiện vi phạm về kinh tế 51.657 tỷ đồng, 12.004ha đất; kiến nghị thu hồi 21.472 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.777 tập thể và 4.726 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 384 vụ, 196 đối tượng. Toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.127 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 130.305 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 46%).
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 14.616 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81,8%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 131 tỷ đồng, 117,5ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 145,3 tỷ đồng, 4,6ha đất; kiến nghị xử lý 428 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 24 vụ, 46 đối tượng.
Cũng trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng. Chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.
Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ/1095 bị can (trong đó án mới 361 vụ/913 bị can). Đã giải quyết 353 vụ/893 bị can (trong đó truy tố 351 vụ/891 bị can, chiếm 99,4% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 2 vụ/2 bị can;). Hiện đang giải quyết 65 vụ/202 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ/1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ/949 bị cáo; xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.
Đối với công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho biết tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan ủy ban kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.
Trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Có thể kể đến như vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong việc thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó là các vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại TP. HCM, Cục Quản lý Dược...; vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ" xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng.
Ngoài ra còn vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh...
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đánh giá một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…
Cùng với đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Về nguyên nhân của những hạn chế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn chậm được thể chế hóa; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, nhiều quy định thiếu chế tài cụ thể. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
Ngoài ra, việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.
Từ những nguyên nhân này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.