Nhìn lại quyết định lịch sử về cấm pháo năm 1994

Đức Hoàng - 28/11/2020 16:40 (GMT+7)

(VNF) - Hơn 26 năm trước, ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đây là Chỉ thị mang tính lịch sử bởi thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt Nam.

VNF
Pháo nổ đã bị cấm từ năm 1994. Ảnh tư liệu

Như VietnamFinance đã thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.

Theo đó, tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong các sự kiện sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2021.

Quy định này cũng lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Quyết định lịch sử về cấm pháo năm 1994

Tròn 26 năm trước, ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đây là Chỉ thị mang tính lịch sử bởi thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt Nam.

Theo Chỉ thị số 406-TTg, kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

Đối với những nơi lâu nay có ngành nghề truyền thống, công nghệ sản xuất pháo và thuốc pháo, đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề thì xem xét để chuyển sang làm pháo hoa, thuốc pháo hoa hoặc làm nghề khác. Các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ phải lập và duyệt kế hoạch về kinh phí đào tạo để chuyển số lao động chuyên sản xuất pháo nổ chuyển sang ngành sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa hoặc sang nghề khác, theo giấy phép hành nghề mới.

Chỉ thị nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời chỉ cấp giấy phép sản xuất, buôn bán các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự, quy định tại Nghị định số 17-CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt, và những quy tắc về phòng cháy, nổ theo quy định của Bộ Nội vụ.

Sau ngày 1/1/1995, những tổ chức, cá nhân không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề đều phải ngừng hoạt động.

Chỉ thị cũng nghiêm cấm dùng các loại thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn để sản xuất pháo hoa. Các bộ, ngành có đơn vị được phép dùng thuốc nổ để sử dụng trong chiến đấu và sản xuất phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để thất thoát hoặc thanh lý không đúng quy định của nhà nước. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các tổ chức và cá nhân được phép sản xuất, buôn bán pháo hoa, thuốc pháo hoa khi sản xuất, vận chuyển đều phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyết đối. Phải vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng, có giấy phép vận chuyển của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp và phải kèm theo chứng từ mua bán hợp lệ.

Không được vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa trên các phương tiện không an toàn, phương tiện có chở người.

Liên quan đến việc bán pháo hoa, đốt pháo hoa, Chỉ thị nêu rõ trong các ngày lễ lớn, các ngày Tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì UBND tỉnh, thành phố phải thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm bán pháo hoa, đốt pháo hoa.

Những dạ hội vui chơi du lịch, những dịp tổ chức khánh thành công trình, tổ chức lễ hội, hiếu hỉ, nếu đốt pháo hoa phải bảo đảm an toàn.

Về đốt pháo, chỉ thị nghiêm cấm đốt pháo trong trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang; nghiêm cấm đốt pháo gây nguy hiểm cho người khác, ảnh hưởng đến môi trường, trật tự chung như đốt pháo ở nơi công cộng, đốt pháo sau 21 giờ hàng ngày, đốt pháo ném ra đường, ném vào người khác hoặc ném vào phương tiện đi lại trên đường, ném từ trên cao xuống, đốt pháo kéo theo xe đang chạy...

Chỉ thị cũng đưa ra các biện pháp xử phạt đối với tổ chức và cá nhân vi phạm như ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu huỷ pháo và thuốc pháo tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất pháo trái phép; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán pháo, thuốc pháo trái phép; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu pháo; phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định vận chuyển pháo.

Ngoài ra, các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính.

Hàng nghìn nạn nhân tai nạn liên quan đến pháo mỗi năm chính là lý do Chính phủ buộc phải ra một lệnh cấm vào năm 1994 mà giai đoạn đầu không phải người dân nào cũng ủng hộ.

Cùng với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia mới có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định cấm đốt pháo năm 1994 được xem là 3 văn bản luật định mang tính “cách mạng” nhân văn, cứu người.

Cùng chuyên mục
Tin khác