Ninh Bình, Quảng Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Bảo Minh - 16/08/2021 17:55 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

VNF
Ninh Bình, Quảng Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Theo hai văn bản này, UBND tỉnh Ninh Bình và UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số nội dung.

Thứ nhất, cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho giai đoạn từ sau năm 2022. Đồng thời, xem xét điều chỉnh điều kiện về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong quy định hiện nay, để khuyến khích đầu tư và chuyến giao công nghệ, nâng dần vị thế của ngành công nghiệp ô tô.

Thứ hai, đề nghị tiếp tục áp dụng chính sách về giãn, hoãn các khoản phải nộp, cụ thể là cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho một khoảng thời gian phù hợp đến hết năm 2021.

Thứ ba, cho phép tiếp tục áp dụng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Thứ tư, hai tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ sớm điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước (tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị tái áp dụng quy định "mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước", đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.

Riêng trong văn bản của UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh này kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thành lập mới được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiếu trong 3 năm đầu tiên, khi các doanh nghiệp này đáp ứng được điều kiện có quy mô đâu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có giấy chứng nhận đăng ký chuyên giao công nghệ từ nhà sản xuất nước ngoài theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cùng với đó, cho phép các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty (gọi chung là Tổng công ty) có vốn điêu lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng Công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là Công ty nhận vốn góp) và đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi, một trong số các công ty nhận vốn góp hoặc Tổng công ty đạt điều kiện ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc Tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế nếu các xe sản xuất lắp ráp của các công ty nhận vốn góp hoặc của Tổng công ty cùng nhóm xe của công ty đạt điều kiện hưởng ưu đãi.

Đối với phân khúc xe buýt, xe khách thì xem xét điều chỉnh mức sản lượng tối thiểu. Cụ thể, sản lượng chung tối thiểu là 300 xe thay vì 360 xe như hiện hành và sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe là 150 thay vì 200 xe như hiện hành.

Xem thêm:  Thành Công Motor đề nghị giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước: Phó Thủ tướng chỉ đạo gì?

Cùng chuyên mục
Tin khác