Nỗi sợ Điều 292

Đậu Anh Tuấn - 21/09/2016 11:53 (GMT+7)

Trong một hội nghị tại Hà Nội, tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến một nhà đầu tư có kinh nghiệm về công nghệ thông tin khuyên một người mới khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực rằng nên mở văn phòng công ty ở Singapore. Lúc đó, người đi sau đang hỏi anh về thủ tục thành lập công ty ở Việt Nam.

Anh giải thích thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Singapore rất nhanh chóng, tin cậy, hệ thống thuế minh bạch và đặc biệt tránh được những rủi ro từ việc hình sự hoá như Điều 292 của Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam.

Đã có những người lặn lội sang tận Singapore, tìm hiểu về quy trình thành lập doanh nghiệp tại đây, để chia sẻ đường đi nước bước "chạy trốn" Điều 292 cho cộng đồng. Điều 292 đang khiến những người khởi nghiệp tại Việt Nam hoảng sợ.

Tôi đã tham gia nhiều cuộc thảo luận về việc bỏ hay giữ Điều 292, tôi không thể lý giải được tại sao ở Việt Nam khi tiến hành kinh doanh một số ngành nghề trên mạng Internet nếu chưa đăng ký thì sẽ bị truy cứu hình sự.

Trong thế giới phẳng, nhiều khái niệm kinh tế không còn như xưa. Bạn yêu thích CNTT, bạn viết một ứng dụng có thể chỉ vì yêu thích và đẩy lên các kho phát hành (app stores) của Apple hay Google. Một trò chơi được nhiều người yêu thích có thể có giá trị thương mại và người đó có thể kiếm hàng chục nghìn USD mỗi ngày. Nguyễn Hà Đông với chú chim Flappy Bird là trường hợp như vậy. Bạn tải một trò chơi, một phần mềm về máy tính hay điện thoại thì chính bạn đang nhập khẩu sản phẩm đó. Kinh doanh và nhập khẩu ở đây rất khác, không còn là mở một nhà máy hay ra cảng nhập một lô hàng như trước.

Một trong những lo ngại của các cơ quan nhà nước là không kiểm soát được những gì xảy ra trên không gian mạng, cần đặt ra hàng rào tiền kiểm để an toàn. Tuy nhiên, tư duy này hoàn toàn không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là những hoạt động khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ thông tin.

Một đặc trưng quan trọng của kinh doanh trong lĩnh vực này là làm ra sản phẩm thử nghiệm (có thể là website, ứng dụng, trò chơi…) - thường được gọi là các bản beta. Sản phẩm này được cung cấp thử nghiệm cho người dùng và nghiên cứu phản hồi của người dùng. Tỷ lệ thành công rất nhỏ, nhưng đổi lại là nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn.

Sau khi thử nghiệm sản phẩm mà có thành công bước đầu, nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng cáo, tìm cách tạo doanh thu… Trong đó bao gồm cả việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Như vậy, chi phí gia nhập thị trường phải thấp. Nếu chi phí gia nhập thị trường tăng cao thì số lượng các sản phẩm được làm ra sẽ giảm mạnh. Không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có thể sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn trong vài tuần tới. Việc yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/ cấp phép chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, từ đó cản trở đáng kể ngành này.

Pháp luật về quản lý mạng Internet hiện nay của Việt Nam quá chú trọng vào kiểm soát, các quy định về đăng ký và cấp phép. Trong lĩnh vực này, "hàng rào" quản lý càng cao thì càng thể hiện trình độ quản lý thấp. Bởi vì trên không gian Internet, không thể lập hàng rào cứng.

Với đặc tính không biên giới, các quy định này hầu như không tác động được đến các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, nó chỉ siết chặt hơn hoạt động của các doanh nghiệp trẻ và bé nhỏ của Việt Nam. "Nắm được kẻ có tóc và thả mất kẻ trọc đầu", hàng loạt nhà cung cấp nước ngoài vẫn kinh doanh bình thường và không thể bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, ngay cả các hoạt động kinh doanh theo Điều 292 ở trên. Người dùng tại Việt Nam vẫn có thể dễ dàng tải ứng dụng được sản xuất và phát hành bởi nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi không còn doanh nghiệp trong nước.

Hệ quả là pháp luật của Việt Nam lại đang đóng cửa đối với doanh nghiệp trong nước và mở rộng cửa cho nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt nhiều lúc đứng nhìn bất lực thị phần đang dần mất, do "hàng rào" của chính phủ.

Tới 2020, dự báo trong 10 người Việt Nam sẽ có 8 người có điện thoại di động.  Một người trung bình thường kiểm tra điện thoại 150 lần/ngày, dành hơn 4h để online, 50% online trên điện thoại và 65% giao dịch bắt đầu bằng điện thoại di động. Rõ ràng là một thị trường rất hấp dẫn. Nhưng số "thóc" này, nếu tiếp tục dựng lên những rào cản cho các nhà sản xuất trong nước, thì chỉ để đem… đãi gà rừng - các hãng công nghệ nước ngoài.

Để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tư duy quản lý trong lĩnh vực Internet của nhà nước cần phải khác. Quản lý phải theo kịp sự phát triển của công nghệ. Một điều khoản trong Bộ luật Hình sự như Điều 292 không chỉ gây e ngại và tạo ra rủi ro cho những doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước. Tác động của nó có thể rất lớn và lâu dài, làm vốn, nhân lực và tất nhiên là cả doanh thu từ thị trường Việt Nam đang âm thầm chảy ra bên ngoài.

Theo Theo VnExpress
Cùng chuyên mục
Tin khác