Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga: 'Tôi là doanh nhân khởi nghiệp từ rất trẻ'

Phong Lan - 06/11/2016 22:06 (GMT+7)

Với câu phát biểu "Hãy nhìn vào câu chuyện của tôi để hình dung ra môi trường kinh doanh Việt Nam" tại Diễn đàn Kiến thức Thế giới (WKF) lần thứ 17, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chắc hẳn gợi mở không ít kế hoạch tới Việt Nam cho giới doanh nhân toàn cầu.

WKF lần thứ 17 vừa diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 12 đến 14/10//2016) tại Seoul (Hàn Quốc) đã thu hút tới 3.000 người tham dự. Họ đến để nghe 250 diễn giả, là các nhà chính trị, kinh tế, nhà khoa học bàn luận về những gì sẽ diễn ra cho tương lai toàn cầu. Châu Âu hậu Brexit sẽ ra sao? Kinh tế ASEAN sẽ xoay vần thế nào sau tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? Rồi câu chuyện về tương lai "Một châu Á", triển vọng kinh tế thế giới, cách mạng công nghệ, kỷ nguyên sáng tạo số, chiến lược cạnh tranh thời công nghệ... sẽ dẫn loài người đi đến đâu...

Trong số 250 diễn giả năm nay có cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder, cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney... Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG là một trong 3 diễn giả đến từ Việt Nam và là một trong 2 diễn giả của phiên thảo luận về môi trường đầu tư Việt Nam.

Trong phiên thảo luận trên, hàng loạt mối quan tâm của giới đầu tư về Việt Nam được đưa ra, đến mức thời gian cho phép đã hết, nhưng câu hỏi vẫn tiếp tục được gửi về. Những người ngồi trên ghế diễn giả cũng không nề hà, cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm về môi trường đầu tư ở nền kinh tế đang nổi lên rất mạnh tại Đông Nam Á này.

"Bản thân tôi là một doanh nhân khởi nghiệp kinh doanh từ rất trẻ. Các bạn hãy nhìn vào câu chuyện của tôi để thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam thế nào. Đó là môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn và thành công", bà Nga đã kể lại câu trả lời của mình khi nhận được các câu hỏi về môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay.

"Cũng có doanh nhân muốn tôi chia sẻ lời khuyên, tôi đã nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nhưng trong kinh doanh, sự hợp tác luôn có vai trò quan trọng. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy tìm đối tác địa phương tốt, thấu hiểu văn hóa và luật pháp sở tại, cơ hội thành công sẽ lớn hơn", bà Nga bày tỏ quan điểm.

Đã nhiều lần tham dự các diễn đàn, hội nghị kinh tế khu vực và trên thế giới ở quy mô lớn, nhưng lần này, bà Nga chia sẻ, bà thực sự ấn tượng với những thông tin mà Diễn đàn đem lại. Chẳng hạn, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder nói rằng, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn định và khối này phải lấy tăng trưởng kinh tế và chính trị để ứng phó. Hợp tác quốc tế do đó phải đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết để ứng phó với những xung đột và thách thức trên toàn cầu. Hay nhiều chính trị gia và cả giới doanh nhân chia sẻ tại diễn đàn rằng, sẽ có rất nhiều thay đổi lớn với châu Á sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

"Tôi rất muốn chia sẻ câu nói của ông Chang Dae-whan, Chủ tịch của Maekyung, đồng sáng lập WKF với các doanh nhân Việt Nam. Đó là chúng ta đang sống trong thời đại mà cái mới đang trở nên bình thường và thay đổi xuất hiện nhiều hơn là ổn định. Bởi vậy, sẽ rất quan trọng để hiểu được xu hướng toàn cầu và nắm bắt được các xu hướng mới trong một thế giới đầy biến động về chính trị, các rào cản kinh tế và xã hội…", bà Nga nói.

Trước khi tham dự Diễn đàn, thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), WKF đã gửi lời mời tới các doanh nhân Việt Nam tham gia cuộc bình chọn lần đầu tiên được tổ chức nhằm ghi nhận sự sáng tạo và năng động của các doanh nhân Đông Nam Á trong việc lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển. Bà Nguyễn Thị Nga là một trong 2 doanh nhân của ASEAN được bình chọn và vinh danh là "Doanh nhân tiêu biểu ASEAN". Riêng bà được ghi nhận những đóng góp cho Cộng đồng ASEAN cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ASEAN.

Chia sẻ về điều này, bà Nga cho rằng, thành công của bà đến từ sân chơi hội nhập. Thậm chí, doanh nhân tiêu biểu ASEAN Nguyễn Thị Nga còn thẳng thắn chia sẻ, bí quyết thành công của bà, của Tập đoàn BRG chính là lựa chọn chiến lược hội nhập quốc tế, hợp tác với các tên tuổi hàng đầu thế giới để tận dụng nền tảng kỹ thuật, kinh nghiệm tiên tiến.

Không quá khó để nhìn những thành quả từ bí quyết này. Bà là doanh nhân Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công những giao dịch mua lại từ các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam ngay từ những năm đầu Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế. Có thể kể tới các thương vụ mua lại sân golf Đồng Mô (hiện là BRG Kings’ Island Golf Resort), Khách sạn Hilton Hanoi Opera tại trung tâm TP. Hà Nội. Bà Nga cũng đã nhiều lần nói, đây là các ngành, lĩnh vực thế mạnh của kinh tế Việt Nam và bà muốn tham gia mũi nhọn này.

Đặt bí quyết thành công của bà bên cạnh câu chuyện thành công của Nadiem Makarim, doanh nhân tiêu biểu ASEAN đến từ Indonesia, có thể thấy rất rõ chiến lược hội nhập quốc tế của nữ doanh nhân người Việt này. Chọn thị trường trong nước là cứ điểm cần khai thác, doanh nhân 31 tuổi, một trong những đồng sáng lập của GO-JEK, đã say mê sáng tạo và liên tục làm mới ứng dụng kết nối nhu cầu đi lại, vận chuyển, giao hàng trong nước, tạo sự kết nối giữa cung và cầu bằng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Giá trị mà GO-JEK mang lại không chỉ là sự thành công cho doanh nghiệp và giá trị tăng trưởng tới vài trăm, vài nghìn lần, giá trị lớn hơn là tạo ra sự thay đổi cho cuộc sống của rất nhiều người, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông...

Nhưng với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, chiến lược mà bà Nga lựa chọn cho BRG được nhìn nhận như là hình ảnh thu nhỏ của nền kinh tế đang nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, hội nhập với khu vực và thế giới.

"Không phải không còn những định kiến, những góc nhìn chưa đầy đủ về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, bởi vậy tôi muốn chia sẻ các bài học thành công của mình tại Việt Nam để đem đến cho thế giới, cho các doanh nhân những thông tin thực sự sống động về kinh doanh tại Việt Nam, về cơ hội đang mở ra rất lớn của nền kinh tế Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ sự tự hào vì những thành công của một doanh nhân Việt Nam trên trường quốc tế với cộng đồng doanh nhân thế giới", bà Nga nói.

Tất nhiên, chọn chiến lược hội nhập quốc tế nghĩa là sẽ không có sự nương nhẹ nào trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ. Trên sân chơi toàn cầu, năng lực cạnh tranh là chìa khóa duy nhất để thành công. Thử nhìn vào thị trường ASEAN, nhìn vào các bước đi bài bản của người Thái, sẽ thấy rõ thực tế này. Tỷ phú Thái Lan Chatri Sityodtong trong một buổi nói chuyện với 200 doanh nhân tại TP.HCM đã nhận xét rằng, trong 5 năm tới, tầng lớp trung lưu tại châu Á sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng cơ hội không dành cho tất cả các doanh nghiệp.

Người Thái biết rõ điều đó khi vươn ra thị trường toàn cầu bằng các thương vụ M&A với các doanh nghiệp dẫn đầu ở nhiều nước trong khu vực. Đây cũng là cách họ chọn để thích nghi nhanh với những biến động của thị trường, điểm khác biệt của môi trường kinh doanh. Bà Nga đã nói rất nhiều lần về điều này, nhưng thực tế, rất khó có thể nói giới doanh nhân Việt Nam sẵn sàng cho sân chơi này. Nhưng doanh nhân Việt Nam không thể chậm trễ hay chần chừ hơn nữa.

"Tôi cũng muốn kể về tinh thần hợp tác, chia sẻ vì một châu Á thịnh vượng mà WKF và tổ chức sáng lập Diễn đàn Asia Society theo đuổi. 60 năm trước, hậu duệ thứ 3 của gia đình tỷ phú Mỹ  John D. Rockefeller đã thành lập Asia Society, với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa người dân, các nhà lãnh đạo và giới trí thức châu Á và Mỹ. Dù thời gian có trôi đi, tinh thần ấy vẫn luôn giữ nguyên giá trị. Thế giới đang vận động nhanh chóng và ngày mai sẽ luôn là một ngày mới. Doanh nhân Việt Nam sẽ phải tự trả lời câu hỏi, làm gì để ngày mai tốt hơn hôm nay", bà Nga chia sẻ.

Theo Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác