Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính, tạo thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh và tiêu dùng. Dù được đánh giá là một trong những trụ cột chính của chiến lược phát triển kinh tế số, song việc phát triển Fintech vẫn là bài toán nan giải.
Để nhận diện rõ hơn về mô hình Fintech cũng như những cơ hội và thách thức của lĩnh vực này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với một trong những Fintech được đánh giá khá thành công tại Việt Nam hiện nay, đó là Finhay.
- Trong những năm gần đây, Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư, ông đánh giá thế nào về thị trường Fintech tại Việt Nam hiện nay?
Fintech tuy là lĩnh vực mới song đã có những bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong vài năm gần đây. Nếu như ở giai đoạn đầu, Fintech tại Việt Nam chủ yếu phát triển ở mảng ví điện tử thì đến năm 2020, đặc biệt là năm 2021, thị trường mới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của các công ty khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực này.
Ngày càng có nhiều công ty Fintech mới ra đời hoạt động trong những lĩnh vực khác ngoài thanh toán như cho vay, đầu tư... Finhay là một ví dụ điển hình cho xu hướng đó. Chúng tôi thành lập Finhay năm 2017 với sứ mệnh nâng cấp, cải tiến tư duy của nhà đầu tư cá nhân về thị trường tài chính tại Việt Nam và khu vực theo hướng chuyên nghiệp và công nghệ hoá. Năm vừa rồi, chúng tôi cũng vừa thành công trong việc mua và sở hữu toàn bộ công ty chứng khoán Vina (VNSC) nhằm nâng cấp chất lượng dịch vụ cũng như dần cung cấp các dịch vụ chứng khoán từ VNSC.
- Cũng là một Fintech có tiếng tại Việt Nam, từ góc độ của Finhay, ông đánh giá thế nào về cơ hội của Fintech hiện nay?
Tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho Fintech phát triển. Thứ nhất, độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng tiềm năng của Fintech. Cụ thể, dân số Việt Nam có độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi (cũng là độ tuổi tiêu dùng năng động nhất). 98% dân số trưởng thành tại Việt Nam có điện thoại di động và 73% dân số truy cập internet thường xuyên. Những con số trên cho thấy thị phần màu mỡ để Fintech tăng trưởng.
Độ tuổi trung bình cũng phản ánh thói quen và mức độ tiếp nhận những xu hướng mới của người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Giới trẻ Việt Nam hiện nay được tiếp xúc với công nghệ từ sớm, cùng với tác động của nền kinh tế hội nhập, người Việt đã dần cởi mở hơn với những giải pháp tài chính hiện đại có ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó, người dân Việt Nam đang có sự phát triển tài chính khá ổn định, GDP bình quân đầu người năm 2022 ở mức 4.100 USD, tương đương với Indonesia và Philippines.
Thứ hai, người Việt đang quan tâm nhiều hơn tới tài chính cá nhân. Nếu như trước đây, gửi tiền tiết kiệm là phương án được đa số người Việt sử dụng để cất giữ tiền bạc thì hiện nay, người Việt đã quan tâm nhiều hơn tới những giải pháp tài chính cá nhân khác như đầu tư chứng khoán, tích lũy, tiền ảo...
Năm 2022, 5% dân số Việt Nam đã có tài khoản chứng khoán. Con số này dự báo sẽ còn tăng cao trong nhiều năm tới. Điều này phản ánh xu hướng đầu tư, quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt đang không ngừng phát triển.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và tạo nhiều điều kiện để hỗ trợ phát triển Fintech. Nhiều dự án tài chính, Fintech đang được nung nấu như tạo khuôn khổ ngân hàng mở (Open Banking),bảo vệ dữ liệu (Data Protection), lộ trình/chiến lược an ninh mạng (Cyber Security Roadmap/Strategy), chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện... Trong đó, Sandbox cũng đang trong quá trình được tham khảo.
Cả 3 yếu tố trên theo tôi đáng giá sẽ mở ra cơ hội lớn cho thị trường Fintech tại Việt Nam tuy mới mẻ nhưng cũng rất sôi động.
- Đi kèm với lợi thế chắc chắn là những thách thức, ông có thể chia sẻ về những thách thức mà Fintech đang gặp phải? Đâu là vấn đề mà ông đánh giá là nan giải nhất hiện nay?
Theo tôi, để duy trì và phát triển thì ngoài những lợi thế vốn có, nguồn nhân lực cho thị trường Fintech là bài toán khó nhất.
Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực Fintech đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Các kỹ sư công nghệ thường giỏi về IT nhưng không có kiến thức chuyên sâu về tài chính. Do vậy, việc lập trình ứng dụng cho các sản phẩm, dịch vụ Fintech sẽ gặp nhiều trở ngại.
- Kiên trì theo đuổi đầu tư Fintech nhiều năm qua, dù đã có những thành công nhất định, nhưng với quá trình phát triển dài hơi này, có bao giờ ông cảm thấy “sốt ruột” không?
Đến năm 2023, Finhay đã đánh dấu cột mốc 6 năm phát triển tại thị trường Việt Nam. Từ ngày đầu thành lập chỉ với 4 thành viên, đến nay Finhay đã có hơn 150 nhân sự trên cả nước. Công ty đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư khi 3 lần gọi vốn thành công.
Một bước ngoặt lớn đối với Finhay là việc mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC) và bắt đầu quá trình chuyển giao sang VNSC vào tháng 6/2022. Sự kiện này không chỉ đánh dấu 5 năm thành lập của Finhay mà còn khẳng định vị thế của Finhay trong số các doanh nghiệp Fintech ở lĩnh vực đầu tư cá nhân tại Việt Nam.
Do đó, cá nhân tôi chưa bao giờ lo sợ và cảm thấy “sốt ruột” trên con đường mà mình đang đi. Finhay vẫn đang nỗ lực hoàn thiện, cải tiến để hướng đến trở thành Fintech hàng đầu tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào chất lượng sản phẩm, trải nghiệm người dùng vì mục tiêu đem lại nền tảng tài chính thông minh cho hàng triệu người Việt bằng việc ứng dụng công nghệ.
- Đã có những lúc Fintech thực sự bùng nổ, người ta nói đến Fintech giống như một hiện tượng, nhưng đến nay hiện tượng đó lại đang có phần mờ nhạt dần đi, vậy theo ông điều gì đang khiến Fintech dần mờ nhạt?
Bản thân tôi nhận thấy, Fintech tại Việt Nam không còn là một hiện tượng nữa mà đã trở thành một phần của thị trường tài chính sôi động. Ví điện tử, ứng dụng thanh toán, đầu tư... đang dần thay đổi thói quen của mọi người dân.
Ở góc độ vĩ mô hơn, các chuyên gia nhận định rằng thị trường Fintech Việt Nam chưa có dấu hiệu mờ nhạt, thậm chí còn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Thị trường Fintech Việt Nam cũng thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các nhà đầu tư. Xét về các thương vụ tài trợ cho Fintech trong ASEAN+6 năm ngoái, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba (sau Singapore và Indonesia).
- Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực Fintech của các cơ quan quản lý hiện nay?
Mặc dù lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển, song lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm và sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án liên quan đến phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ; xây dựng các mô hình kinh doanh, hệ thống thanh toán điện tử; phát triển kết cấu hạ tầng Fintech, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp… nhằm tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường Fintech.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính tập trung cho các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (Sandbox) cho Fintech ở Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng.
Chính phủ cũng đã có các chương trình thuế đặc biệt cho khởi nghiệp cũng như chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao.
- Với những chính sách này, kết hợp cùng điều kiện hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, khách hàng… ông nhìn nhận về tương lai của lĩnh vực này thế nào?
Nhìn vào những yếu tố hỗ trợ Fintech, từ chính sách đến hạ tầng công nghệ và nhất là yếu tố thị trường rộng lớn, ngày càng phát triển, tôi tự tin về sự phát triển và tương lai của Fintech tại Việt Nam. Người dùng ngày càng quen với những trải nghiệm hiện đại, tối ưu hơn, do đó tiềm năng để Fintech tiếp tục phát triển còn rất nhiều, trải rộng trên nhiều mảng trong tài chính.
Trong tương lai, Fintech sẽ có khả năng phát triển thêm ở các lĩnh vực như chuyển tiền quốc tế, cho vay ngân hàng, giao dịch chứng khoán. .. Fintech cũng sẽ cung cấp những dịch vụ được coi là thế mạnh của các ngân hàng truyền thống.
Fintech vẫn sẽ tiếp tục đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao tiện ích, trải nghiệm cho người dùng cũng như mức độ bảo mật thông tin cho khách hàng. Chúng tôi cũng luôn có kế hoạch cải tiến sản phẩm, ứng dụng nền tảng công nghệ để giải quyết các bài toán khó, giúp khách hàng tìm ra giải pháp tối ưu về tài chính. Có thể nói, trong tương lai Fintech vẫn sẽ là ngành tăng trưởng mạnh và cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech?
Theo thông tin tôi tìm hiểu, Việt Nam hiện nay đứng thứ ba tại Đông Nam Á (sau Indonesia, Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD - gấp 2 lần so với năm 2020.
Từ cơ hội được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi nhận thấy thị trường Fintech Việt Nam luôn có sự hấp dẫn và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ.
Fintech là lĩnh vực mới và đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Nguồn nhân lực tại Việt Nam tuy dồi dào nhưng mặt bằng chung chưa được quốc tế đánh giá cao về chất lượng. Do đó việc đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài nên là ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam nên có đề án xây dựng các trung tâm đào tạo về công nghệ nói chung và Fintech nói riêng. Điều này giúp nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực Fintech trong tương lai.
Bản thân nội tại Finhay cũng luôn không ngừng đổi mới, cải tiến quy trình, đào tạo con người để các nhà đầu tư, khách hàng có thể thấy được nỗ lực và sự nghiêm túc của một Fintech trẻ tại thị trường mới mẻ như Việt Nam.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.