NutiFood xuất khẩu sữa sang Mỹ, nhắm doanh thu 20 triệu USD
Mỹ Loan -
18/01/2018 16:09 (GMT+7)
(VNF) - Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã ký hợp đồng với đối tác là công ty Delori để xuất khẩu sữa qua thị trường Mỹ.
Delori sẽ phân phối sản phẩm sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào khoảng hơn 300 siêu thị tại bang Califonia. Đây là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ biếng ăn của NutiFood đã được các bà mẹ trong nước tin dùng.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood, công ty đang hoàn thành các thủ tục để xuất hàng qua Mỹ, và dự kiến đến tháng tư năm nay sản phẩm sẽ có mặt trên các quầy kệ ở thị trường Mỹ.
Delori cũng đang đàm phán để có thể phân phối sản phẩm Pedia Plus vào hệ thống siêu thị trên toàn nước Mỹ. Dự kiến doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. Và dự kiến 5 năm sau, doanh thu của NutiFood tại thị trường Mỹ sẽ được nâng lên 100 triệu USD/năm.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công thương) kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (là năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017. Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người; đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em, trong đó có sữa các loại vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường khó tính này.
Nguyên nhân chính là do thị trường Hoa Kỳ có những yêu cầu rất cao đối với nhóm các sản phẩm này, được quy định chi tiết tại điều 22 của Đạo luật liên bang về Thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm; trong đó đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể về thành phần dinh dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng dinh dưỡng, lưu trữ và báo cáo số liệu sản xuất và triệu hồi sản phẩm.
Ông Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ đánh giá, việc một doanh nghiệp dân doanh xuất khẩu sang thị trường khó tính này đánh dấu sự trưởng thành trong ngành công nghiệp chế biến Việt Nam.
"Chúng ta rất hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp của khu vực FDI vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng kinh nghiệm của những quốc gia thành công trên con đường công nghiệp hóa đều phải dựa chủ yếu vào nội lực. Chính vì vậy, cần phải đưa xuất khẩu tăng và tỷ lệ doanh nghiệp nội xuất khẩu tăng", ông Trần Du Lịch nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.