Tài chính

'Ông lớn' HoSE chiếm tới 91% vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt

(VNF) - Tính đến cuối năm 2017, quy mô thị trường cổ phiếu trên HoSE tăng 75,24% so với cuối năm 2016, đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 91% vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu Việt Nam.

'Ông lớn' HoSE chiếm tới 91% vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt

HoSE chiếm 91% vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới công bố thông tin về kết quả kinh doanh năm 2017 và kế hoạch kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2018. 

Theo HoSE, tính đến cuối năm 2017, chỉ số VN-Index đạt 984,24 điểm, tăng 48,03% so với cuối năm 2016, đưa VN-Index vào Top 3 chỉ số tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây cũng là đỉnh cao nhất của VN-Index trong gần 10 năm qua.

Bên cạnh sự bùng nổ của chỉ số VN-Index, thanh khoản thị trường cải thiện mạnh và đạt mức cao nhất trong lịch sử với phiên giao dịch gần 20,5 ngàn tỷ đồng ngày 7/11/2017. Bình quân từ đầu năm, giá trị giao dịch đạt hơn 4.245 tỷ đồng, tăng 73,77% so với cùng kỳ 2016. 

Đặc biệt, dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong năm 2017 cũng duy trì ở mức ổn định, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại vẫn duy trì ở mức 14,73%.

"Nếu như cùng kỳ 2016, khối ngoại bán ròng gần 7.729 tỷ đồng thì trong năm 2017 khối này đã mua ròng 26.424 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD", đại diện HoSE, dẫn chứng.

Theo đánh giá của HoSE, yếu tố góp phần quan trọng trong việc gia tăng quy mô và thành khoản trên thị trường là hoạt động niêm yết mới diễn ra sôi động. 

Tính đến cuối 2017, HoSE có 387 mã chứng khoán niêm yết, trong đó có 344 mã cổ phiếu, 2 chứng chỉ quỹ đóng, 2 chứng chỉ quỹ ETF và 39 trái phiếu. Trong năm 2017, có 48 mã chào sàn, tăng gấp đôi so với năm trước. Trong đó, nhiều mã chứng khoán chào sàn là những doanh nghiệp tỷ USD, góp phần tăng quy mô vốn hóa toàn thị trường, như: VPBank (VPB), HDB (HDBank), Petrolimex (PLX), Vincom Retail (VRE),…

Ngoài ra, hoạt động đấu giá cổ phần tại HoSE trong năm 2017 cũng có nhiều sôi động với 51 hồ sơ đăng ký bán đấu giá từ các doanh nghiệp và tổ chức thành công 32 đợt đấu giá, thu về ngân sách gần 130 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý 3 tháng cuối năm có hàng loạt đợt thoái vốn nhà nước có giá trị lớn, điển hình là tại VNM, SAB với tổng giá trị đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Về kế hoạch hoạt động năm 2018, HoSE đề ra việc tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi để trình Quốc hội thông qua năm 2019; tập trung triển khai sản phẩm mới hỗ trợ cho việc gia tăng quy mô, thanh khoản thị trường; chú trọng nghiên cứu, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh triển khai dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho phát triển thị trường…

Về kết quả kinh doanh, HoSE cũng trình Bộ Tài chính về việc đề ra chỉ tiêu doanh thu năm 2018 là gần 790 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 473 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 343 tỷ đồng.

Được biết, tính đến cuối năm 2017, quy mô thị trường cổ phiếu trên HoSE tăng 75,24% so với cuối năm 2016, đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng chiếm khoảng 91% vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Đặc biệt, mới đây nhất, sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi, phiên giao dịch mở màn quý II/2018 khép lại với những tín hiệu hết sức tích cực khi chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.196,61 điểm, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, trong kịch bản lạc quan nhất thì ngay trong năm 2018, chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.320 – 1.360 điểm.

"Hiện tại, VN-Index có có khả năng sẽ phá vỡ mốc 1.200 và test những ngưỡng kháng cự cao hơn. Nếu khả năng trên xảy ra, VN-Index có thể sẽ tăng mạnh lên 1.320 - 1.360 trong khoảng tháng tới", HSC đánh giá.

Tin mới lên